Không chỉ bản Tiên Hưng, mà rất nhiều người ở xã Phổng Lái của đất Thuận Châu biết đến anh Nguyễn Văn Khải bởi anh không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, mà còn tâm huyết, nhiệt tình trong các hoạt động của bản, của xã.
Anh Nguyễn Văn Khải (người bên phải) hướng dẫn cách chăm sóc cây cam cho bà con trong xã.
Năm 1997, tròn 23 tuổi, chàng trai trẻ rời quê hương Thanh Miện, Hải Dương lên Sơn La khởi nghiệp với 1 ha đất trồng mía. Năm 2000, anh chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cà phê, chè và cây ăn quả. Bằng sự cần cù chịu khó, năng động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên anh làm ăn ngày càng khấm khá. Không dừng lại, qua nghiên cứu, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế, năm 2018, anh quyết định chuyển diện tích đã trồng cà phê trước đây sang trồng chanh leo và cây cam.
Tham quan trang trại của gia đình anh, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi đồi chè xanh trải dài, vườn cam, mận tam hoa xanh tốt trồng thành hàng thẳng tắp, vườn chanh leo trĩu quả trên đồi... Nhà anh bây giờ có 5 ha đất sản xuất, trong đó 2 ha cam đường canh và cam Thái không hạt trồng từ tháng 10/2018, dự kiến cuối năm 2020 sẽ cho thu hoạch; 1,6 ha dưa hấu trồng xen chanh leo; 1 ha chè; 4.000 m2 mận tam hoa... Tất cả vườn cây trái, anh đều đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; rồi đào ao, rải bạt để dự trữ nguồn nước tưới tiêu cho cây vào mùa khô.
Trong thời gian cây cam chưa khép tán, anh trồng xen đậu tương vừa “lấy ngắn nuôi dài”, vừa tăng độ ẩm cho đất, tận dụng thân cây sau thu hoạch ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Trên diện tích trồng chanh leo cũng vậy, khi cây chưa leo kín giàn, gia đình anh trồng xen dưa hấu, cũng thu gần 50 triệu đồng/vụ, bởi dưa hấu chỉ 70 ngày đã cho thu hoạch. Đối với cây chanh leo, anh làm giàn đứng, sử dụng các loại vỏ can, chai nhựa làm bẫy dính ruồi vàng và các loại côn trùng, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, chanh leo nhà anh quả to, đẹp mã, bán được giá, từ đầu năm đến giờ, nhà anh đã thu hoạch 9 tấn, cuối vụ ước thu 25 tấn, hiện giá bán bình quân 12 nghìn đồng/kg. Còn 1 ha chè chất lượng cao, mỗi năm thu hoạch 10 tấn chè búp tươi, anh đã đầu tư mua máy sấy chè khô để sơ chế chè của gia đình và chè thu mua thêm của các hộ dân trong xã để bán chè khô. Tổng thu nhập sau trừ chi phí của gia đình anh đạt gần 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Khải còn luôn chu đáo, tận tình hướng dẫn người dân có nhu cầu đến học tập cách làm giàn chanh leo, phương pháp chăm sóc, cách ủ phân hữu cơ, thời gian bấm ngọn, tỉa lá để tạo tán cho cây, cách làm bẫy dính ruồi vàng...
Nhận xét về anh, ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã không tiếc lời khen: Anh Khải là người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là điển hình về sản xuất giỏi; anh đã góp phần làm thay đổi tư duy của bà con ở đây về cách làm kinh tế tổng hợp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!