Năng nổ, nhiệt tình trong hoạt động đoàn thanh niên, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. Đó là những nhận xét của nhiều người khi nói về anh Lò Văn Bước, Bí thư Đoàn xã Mường Trai (Mường La). Anh đã vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó có giải nhì và Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong cuộc thi “Xây dựng ý tưởng, đề án Thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” năm 2017.
Từ ý tưởng xây lò đốt rác bảo vệ môi trường
Tới xã Mường Trai, hỏi anh Lò Văn Bước, từ các em nhỏ học lớp 1, lớp 2 đến các cụ cao niên, ai cũng biết. Chàng thủ lĩnh thanh niên vùng lòng hồ sông Đà này nổi tiếng với ý tưởng sáng tạo đưa vào ứng dụng lò đốt rác thủ công gắn với việc triển khai trồng cây hoa ban dọc các tuyến đường của xã. Ấn tượng đầu tiên về anh, đúng là con người của công việc, đi nhanh, nói nhanh. Anh Bước cho hay: Mường Trai là xã nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch của huyện, xã có cảnh quan lòng hồ khá đẹp, lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt cũng như ý thức của người dân hạn chế, nên tiện đâu vứt rác đấy, mỗi khi có mưa xuống, rác lại chảy xuống lòng hồ, bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Là Bí thư Đoàn xã, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều kênh thông tin, tôi đã lên mạng tìm hiểu, rồi căn cứ tình hình thực tế địa phương, thử nghiệm lò đốt rác ngay tại góc vườn của gia đình mình.
Lò được thiết kế từ tận dụng một chiếc thùng phuy, phía dưới chân xây một bệ đỡ, có 1 cửa để đốt, chi phí chưa đến 200 nghìn đồng. Để tiện cho việc xử lý, rác thải trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình được anh thu gom, phân loại sau đó bỏ vào lò, khoảng 4 đến 5 ngày đốt một lần, việc xử lý rác dễ dàng lại không gây mất vệ sinh.
Thấy hiệu quả, anh mang ý tưởng ra bàn với Ban Chấp hành Đoàn xã để nhân rộng mô hình lò đốt rác tại các điểm có nhiều rác thải, sẽ cải tiến bằng cách xây bằng gạch để phù hợp với thực tế hơn. Song vẫn dựa theo tiêu chí tiết kiệm, không chiếm nhiều diện tích, chiều cao trung bình từ 1,2m - 1,5m, rộng 0,8 - 1m, gồm: Cửa thông khí rộng, giàn sắt để đựng rác dưới đáy, 1 tấm tôn để che mưa, chi phí khoảng dưới 1 triệu đồng. Với ưu thế có lỗ thông khí, nên các loại rác được đốt cháy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, mô hình đã được triển khai và được nhân rộng tại 8/10 bản trên địa bàn xã và được Đoàn xã Chiềng Lao học tập, triển khai tại xã Chiềng Lao (Mường La). Nhờ vậy mà đường vào các bản đều phong quang, sạch sẽ, không còn tình trạng rác được xả lung tung, không còn cảnh túi nylon, bao bì vương vãi ngoài đường hay bị vứt xuống lòng hồ.
Cũng xuất phát từ ý tưởng bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch trên địa bàn xã, anh đã phát động mỗi đoàn viên trồng và chăm sóc 1 cây hoa ban dọc các tuyến đường và ven hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn xã. Từ lúc “gieo mầm ý tưởng” năm 2017 đến nay, đã có hơn 300 cây hoa ban được trồng trên địa bàn xã, đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cây hoa ban tiếp tục được trồng, để rồi mai đây mảnh đất Mường Trai bung sắc hoa ban khi xuân về, mời gọi du khách đến với vùng lòng hồ.
Đến hiện thực hóa giấc mơ làm du lịch
Sau khi đi thăm quan mô hình lò đốt rác do anh và các đoàn viên thanh niên trong xã tự góp công xây dựng, anh dẫn chúng tôi về nhà hàng nổi trên lòng hồ của gia đình tại bản Bó Ban. Ý tưởng xây dựng nhà hàng, phát triển du lịch sinh thái được anh ấp ủ, lên kế hoạch 2 năm nay. Năm 2017, khi anh nói về kế hoạch làm du lịch, nhiều người đều ra sức ngăn cản, họ cho rằng làm du lịch sinh thái quá mạo hiểm vì bỏ công sức và vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, vợ chồng anh đều làm công chức, thời gian đâu để quản lý và phát triển điểm du lịch. Nhưng anh lại nhận thấy được tiềm năng về phát triển du lịch tại đây. Du khách tham gia tour du lịch lòng hồ sẽ được lên thuyền ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La qua các bản làng TĐC của các xã Hua Trai, Mường Trai, Chiềng Lao, cùng trải nghiệm cuộc sống trên quê mới với người dân; thăm khu di tích lịch sử Đồn Tây đang được đề nghị cấp chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, thăm hang Đán Đanh; trải nghiệm cách nuôi cá tầm trên sông... Do vậy, anh quyết định làm du lịch, với khởi đầu chỉ là xây dựng một nhà nổi bằng tre, lợp cỏ tranh, các đồ dùng phục vụ nhu cầu ăn uống, một thuyền du lịch, phao, bè để du khách có thể trải nghiệm. Đi vào hoạt động từ tháng 1/2018 đến nay, điểm du lịch sinh thái của anh đã đón trên 1.000 khách đến tham quan, ăn uống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động của địa phương. Hiện tại, dịch vụ đang hoạt động có hiệu quả; tăng thu nhập cho gia đình mỗi tháng 4 triệu đồng.
Với anh Lò Văn Bước, khởi nghiệp là tự khẳng định mình bằng những lối đi riêng, không chỉ với mục đích làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn cống hiến xây dựng quê hương. Nói về dự định tương lai, anh Bước chia sẻ: Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mua sắm thêm thuyền, phao và bổ sung thêm kiến thức về du lịch để chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức tour du lịch lòng hồ; xây dựng mô hình nhà hàng ăn uống kết hợp với việc tổ chức các trò chơi dưới nước cho du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Mường La đẹp, thân thiện và mến khách.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!