Vượt qua quãng đường đất dài khoảng 5 km và đi bộ thêm 1 km nữa từ chân quả đồi bên này sang thung lũng đồi bên kia, chúng tôi đến được trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm rộng 1,5 ha của gia đình anh Cà Văn Tiềm, bản tái định cư Na Ngua, xã Mường Lựm (Yên Châu). Từ trang trại này, gia đình anh thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm.
Anh Cà Văn Tiềm, bản Na Ngua, xã Mường Lựm (Yên Châu) chăm sóc đàn vật nuôi.
Được biết, năm 2008, gia đình anh Tiềm di cư từ bản Phiêng Cạy, xã Chiềng Lao (Mường La) về bản tái định cư Na Ngua, xã Mường Lựm. Khi mới chuyển về, cũng như các hộ dân khác, gia đình anh được cấp 400 m2 đất ở, 50 triệu đồng tiền hỗ trợ làm nhà ở, có đầy đủ điện, nước sinh hoạt, cùng với 1,5 ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau khi ổn định nơi ở, gia đình anh bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, việc trồng ngô kém hiệu quả, năng suất thấp nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Anh Tiềm đã bàn với gia đình, tìm cách phát triển kinh tế. Nhận thấy ở địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn rừng và dê, tuy thời gian chăn nuôi dài hơn nhưng cho sản phẩm thịt thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2012, từ số tiền tiết kiệm của gia đình và vay mượn thêm anh em, bạn bè được 50 triệu đồng, anh Tiềm quyết định đầu tư chăn nuôi 3 con lợn rừng và 25 con dê. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, anh tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân xã tổ chức và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Anh Tiềm chia sẻ: Khi mới đầu tư chăn nuôi gặp không ít khó khăn, có thời điểm đàn vật nuôi bị dịch bệnh chết hết, vậy là “mất cả chì lẫn chài”. Không nản, năm sau, gia đình tôi vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu để làm chuồng trại và đầu tư con giống tiếp tục chăn nuôi. Rút kinh nghiệm lần trước, gia đình tôi thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, đảm bảo vệ sinh môi trường; làm chuồng trại để tránh rét cho gia súc trong mùa đông; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, để giảm chi phí đầu tư chăn nuôi, gia đình tôi chuyển đổi 6000 m2 từ trồng ngô sang trồng cỏ voi, chuối... làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, với 3 con lợn giống ban đầu, hiện phát triển lên 8 con nái; hơn 20 con lợn rừng lai lợn bản; 25 con dê và gần 100 con gia cầm các loại. Mỗi năm, xuất bán gia súc, gia cầm sau khi trừ chi phí thu lãi 100 triệu đồng. Năm 2014, gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và vươn lên khá giả.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Tiềm bàn với gia đình thầu thêm 5.000 m2 mảnh đất kề với trang trại. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, ti vi và các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức để áp dụng vào chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình anh luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh.
Không chỉ cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình, anh Cà Văn Tiềm còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với bà con trong bản, trong xã với mong muốn các hộ nghèo sẽ thoát nghèo như gia đình anh. Anh Tiềm là tấm gương tiêu biểu nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo ở địa phương.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!