Tự tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, anh Nguyễn Đắc Doanh, bản Kim Sơn, xã Cò Nòi (Mai Sơn) đã thành công với mô hình trồng nhãn ghép chín muộn, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Đắc Doanh giới thiệu cách làm phân bón tự ủ.
Đến bản Kim Sơn thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Doanh, khác với những vườn nhãn của các gia đình khác giờ đã bắt đầu cho hoa thì những cây nhãn của gia đình anh giờ mới ra những trồi non vì được anh Doanh thực hiện các kỹ thuật để “điều khiển” cây nhãn ra hoa muộn hơn. Vốn là người Hưng Yên, vùng quê nhãn nổi tiếng của cả nước, năm 1986, gia đình anh từ xã Phú Cường, huyện Kim Động chuyển lên xã Chiềng Lương (Mai Sơn) để làm kinh tế. Sau khi đi khảo sát vùng đất phù hợp để trồng nhãn, nhận thấy đất ở Cò Nòi khá bằng phẳng, màu mỡ, năm 1990, gia đình anh từ xã Chiềng Lương chuyển về định cư ở bản Kim Sơn. Anh Doanh cho biết: Sau khi tìm hiểu cây nhãn địa phương phù hợp với khí hậu, phát triển tốt, cây khỏe, nên tôi đã quyết định trồng 1 ha để lấy gốc, sau đó về Hưng Yên lấy mắt nhãn miền thiết có năng suất và chất lượng quả cao hơn về ghép. Thời gian nhãn chưa cho thu hoạch, để lấy ngắn nuôi dài, gia đình trồng ngô, đậu, đỗ các loại để có thu nhập. Sau 3 năm, nhãn ghép bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu hoạch hàng chục triệu đồng. Sau nhiều năm, tôi nhận thấy nhãn đầu vụ hoặc cuối vụ thường bán được giá cao hơn; từ đó, tôi luôn suy nghĩ làm cách nào để làm cho nhãn ra quả muộn hơn để bán được giá cao. Tôi lại về Hưng Yên học cách ghép nhãn chín muộn. Đến năm 2013, tôi bắt đầu thực hiện thử nghiệm ghép nhãn chín muộn và đã thành công; lúc đầu cũng chỉ thử với vài chục gốc và cứ thế dần dần tăng lên từng năm. Đến nay, cả 1 ha với 600 gốc nhãn chín muộn, hằng năm cho thu hoạch hơn 13 tấn quả, bán với giá trung bình 22.000 đồng/kg, thu về hơn 280 triệu đồng.
Theo anh Doanh, để cây nhãn ra hoa theo ý muốn thì việc điều tiết tưới nước đúng thời điểm, liều lượng là rất quan trọng. Sau khi thu hoạch, vào khoảng từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11 phải tiến hành khoanh vỏ gốc, không tưới nước, để cây hãm mọc mầm và ra hoa sớm. Khi ra trồi non thì mỗi cành chỉ để một trồi và phải phun thuốc chống nhện đỏ xâm nhập thì mới sai và quả to. Tùy vào từng thời điểm phát triển, cây nhãn cần được bón phân đầy đủ và với tỷ lệ các thành phần phù hợp. Để chủ động về thời gian, lượng nước tưới phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây nhãn, anh sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, giảm chi phí lao động, nhưng chất lượng quả nhãn vừa đẹp vừa năng suất cao hơn.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, anh Doanh luôn nhiệt tình trong công tác hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được hội viên và bà con nông dân tín nhiệm. Việc xây dựng thành công mô hình nhãn ghép chín muộn đã mở ra hướng đi cho các hội viên khác học tập, làm theo. Gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!