Với mong muốn nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà đặc sản bản địa của địa phương, chị Cầm Thị Ngọc, công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã sáng tạo, xây dựng ý tưởng Dự án khởi nghiệp “Ứng dụng công nghệ vi sinh trong phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt gà đen thả đồi tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La” và xuất sắc vượt qua nhiều tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ III năm 2020 do Tỉnh Đoàn tổ chức vừa qua.
Chị Cầm Thị Ngọc (bên phải) giới thiệu sản phẩm thịt gà đen cho khách hàng.
Tại gian trưng bày các dự án khởi nghiệp ở Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”, sản phẩm thịt gà đen bản địa được hút chân không, kèm gia vị của chị Cầm Thị Ngọc thu hút nhiều khách tham quan và mua hàng. Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng khởi nghiệp, chị Ngọc cho biết: Sau những chuyến công tác tại các xã vùng cao Long Hẹ, É Tòng, được thưởng thức món gà đen bản địa do đồng bào Mông nuôi, thấy thịt gà đen vừa thơm, ngon, lại tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, trong những kỳ tổ chức hội chợ nông nghiệp huyện, sản phẩm gà đen của đồng bào Mông được nhiều người quan tâm và mua hàng. Tìm hiểu thấy mô hình nuôi gà đen đã được thực hiện nhiều ở các tỉnh trong toàn quốc nhưng lượng cung vẫn chưa đủ cầu, quy trình từ khâu chăn nuôi, xử lý chất thải đến giết mổ, chế biến thành phẩm chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Các sản phẩm chế biến từ thịt gà đen chưa đa dạng; trên địa bàn huyện chưa có trang trại nuôi gà đen quy mô tập trung, mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nên điều kiện phòng dịch, vệ sinh khử trùng còn hạn chế. Vì vậy, khi Tỉnh Đoàn phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ III, thấy đây là cơ hội, bản thân có kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, nên tôi đã tập trung nghiên cứu, lên ý tưởng Dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh trong phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt gà đen thả đồi tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La”. Dự án này sẽ ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi; gà được sơ chế, đóng gói hút chân không kèm gói gia vị để người mua hàng có thể chế biến theo hướng dẫn. Gà đen được nghiên cứu chế biến thành 3 sản phẩm: Gà luộc, gà rang và canh gà bí đỏ (có kèm túi gia vị mang đặc trưng vùng Tây Bắc với lá mu chưn).
Theo ý tưởng đề xuất, dự án sẽ tiến hành xây dựng chuồng trại, ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Sản phẩm sẽ được đăng kí nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Trong năm đầu tiên thực hiện bán hàng không lợi nhuận, trước mắt tập trung tại thị trường các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Hà Nội; tiếp thị sản phẩm thông qua mạng xã hội, tham gia hội chợ, triển lãm; đặc biệt thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc khách hàng vào các dịp lễ, tết, sinh nhật. Sản phẩm gà đen hướng đến các bà mẹ sau sinh bồi bổ sức khỏe và chữa suy nhược cho người vừa ốm dậy, hoặc làm thực phẩm hằng ngày. Khi đi vào sản xuất ổn định, sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng đàn, đưa sản phẩm đi tiêu thụ vào các tỉnh miền Nam; liên kết 2 hộ dân chăn nuôi gà đen ở xã Long Hẹ mở rộng thị trường, hướng lên doanh nghiệp và nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới từ gà đen. Hướng đến đưa vào các siêu thị, các cửa hàng bán thực phẩm sạch, các nhà hàng tại các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và xuất khẩu...
Chia sẻ dự định sắp tới, chị Ngọc phấn khởi: Đoạt giải Nhất cuộc thi, tôi thấy rất hạnh phúc, đặc biệt tại cuộc thi, HTX nông nghiệp xanh 26/3 (Thành phố) đã đề nghị ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm gà đen, đây là động lực giúp tôi sớm hiện thực hóa ý tưởng. Tuy nhiên, để làm được như vậy, tôi cũng rất mong các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện trong việc hỗ trợ kinh phí, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo tồn và phát triển giống gà đen bản địa, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!