Nữ tỷ phú ở Mường Khiêng

Chị đã giúp hàng chục hộ hội viên thoát nghèo chỉ với tâm nguyện thật giản dị: mỗi gia đình thoát được nghèo là bản làng thêm giàu mạnh. Đó là câu chuyện về người phụ nữ trẻ dân tộc Thái ở xã Mường Khiêng (Thuận Châu), chị Quàng Thị Nhính - tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của chị Quàng Thị Nhính.

 

Từ ngã ba Chiềng Pấc đi qua xã Bó Mười, chúng tôi đến bản Lứa B, xã Mường Khiêng (Thuận Châu). Chị Quàng Thị Nhính đón chúng tôi với nụ cười tươi tắn, khuôn mặt phúc hậu, dễ gần. Ngôi nhà sàn 5 gian của chị nằm ngay cạnh đường vào bản, được thiết kế giản đơn với các vật dụng trong nhà cũng hết sức giản dị, gọn gàng, khiến chúng tôi có chút ngỡ ngàng bởi đã từng biết chị là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện với thu nhập hàng năm cả tỷ đồng. Nổi bật nhất trong ngôi nhà có lẽ là những tấm Bằng khen, Giấy khen treo kín tường, mà theo chị Nhính, đây mới là tài sản quý giá nhất của gia đình.

Sinh năm 1984, cuộc sống khó khăn nên việc học hành của chị cũng dở dang. Năm 2003, chị kết hôn cùng với anh Quàng Văn Chum, một chàng trai hiền lành, chịu khó ở cùng xã. Những ngày đầu mới xây dựng gia đình, cuộc sống của 2 vợ chồng vô cùng vất vả, ruộng, nương ít, chỉ đủ trồng ngô, lúa phục vụ nhu cầu lương thực, không có tích lũy. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chị bàn với chồng vay vốn đầu tư nuôi trâu, bò, đào ao thả cá và trồng chuối. Rồi chị lặn lội tìm đến các trang trại, các mô hình chăn nuôi, trồng cỏ, trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2005, anh chị mạnh dạn vay 150 triệu đồng để đầu tư sản xuất, khi đó, nhiều người e ngại cho đôi vợ chồng trẻ vì không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn để trả.

Chăm chỉ, chịu khó, không lùi bước trước khó khăn, nên kinh tế của gia đình chị dần ổn định, đàn trâu, bò tăng nhanh, cây trồng, ao cá đều cho thu nhập. Sau 5 năm, gia đình chị đã có vốn tích lũy để mở cửa hàng kinh doanh phân bón, vật liệu xây dựng và hàng tạp hóa. Uy tín trong kinh doanh và tiếp tục mở rộng thêm diện tích đất để trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình chị có một cơ ngơi mà ai cũng phải ngưỡng mộ, một căn nhà 3 tầng ở ngay ngã ba trung tâm xã được sử dụng để kinh doanh, cung ứng vật tư, phân bón cho người dân; đàn bò gần 20 con cùng 5.000 m2 cỏ, 1 ha chuối, 2 ha xoài ghép, 3.000 m2 ao cá, 3.000 m2 ruộng lúa. Tổng thu nhập của gia đình chị trong 2 năm 2016-2017 đạt 1,5 tỷ đồng, năm 2018 là trên 1,2 tỷ đồng.

Kinh tế khá giả là vậy, nhưng anh chị lại chọn cuộc sống bình dị trong ngôi nhà sàn ở bản Lứa B để tiện quan tâm, giúp đỡ bà con trong bản vươn lên thoát nghèo. Đi lên từ gian khó nên chị thấu hiểu nỗi khổ của bà con trong bản, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Với phương châm “sống là chia sẻ”, chị Nhính đã dùng một phần số tiền mình tích lũy được để mua trâu, bò giống cho các hộ dân trong bản nuôi rẽ (đầu tư con giống cho người dân, lứa bê, nghé sinh ra đầu tiên sẽ cho gia đình trực tiếp nuôi, từ lứa thứ 2 trở đi lợi nhuận sẽ chia đôi). Chị Tòng Thị Linh, một trong những hộ gia đình thuộc hộ nghèo của xã Mường Khiêng được chị Nhính giúp đỡ cho nuôi rẽ 2 con bò sinh sản. Chỉ sau 2 năm, Chị Linh đã có 4 con bê “làm vốn”. Anh Tòng Văn Dâu ở bản Lứa B, cũng là người được chị Nhính giúp, khoe với chúng tôi: Từ 1 con trâu và 1 con bò sinh sản nuôi rẽ, đến nay gia đình tôi đã có 4 con trâu, bò để nuôi mà không mất vốn, mừng nhất là gia đình đã thoát nghèo.

Bản Lứa B có hơn 100 hộ, số hộ chưa được gia đình chị Nhính giúp đỡ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làm mô hình nuôi trâu, bò rẽ đến nay đã ngót chục năm, có đến vài chục gia đình ở bản đã lần lượt được nhận trâu, bò giống về nuôi. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016, 2017, chị Nhính đã cho 13 hộ nghèo trong bản vay vốn phát triển kinh tế, mỗi hộ vay trung bình từ 5-30 triệu đồng với lãi xuất chỉ 0,1%, hiện nay đã có 4 hộ thoát nghèo. Năm 2018, gia đình chị đã hỗ trợ, giúp đỡ trên 65 hộ nghèo trong xã được cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm với gần 200 tấn phân bón các loại, trị giá gần 900 triệu đồng. Chia sẻ tâm tư của mình, chị nói: Mình đi lên từ nghèo khó, khi đã có điều kiện rồi thì giúp đỡ người nghèo để cùng nhau phát triển, cứ mỗi hộ gia đình thoát nghèo là bản làng lại giàu mạnh hơn. Câu nói chân thành của chị khiến chúng tôi ngỡ ngàng về người phụ nữ dân tộc Thái tuổi đời còn khá trẻ nhưng có tấm lòng đầy trách nhiệm với cộng đồng. 

Chia tay chị Nhính, chúng tôi nhớ mãi câu nói của chị Lò Thị Sao, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Khiêng: Chị Quàng Thị Nhính là tấm gương sáng, điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ của xã Mường Khiêng mà còn là của cả huyện Thuận Châu, tạo sức lan tỏa đến đông đảo chị em phụ nữ học tập, vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới