Nữ Bí thư chi bộ tận tụy, trách nhiệm

Tác phong nhanh nhẹn, cử chỉ thân thiện, dễ mến, tinh thần làm việc nghiêm túc, là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị Lò Thị Nết, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nông trường cao su Châu Quỳnh. Năm nay, chị Lò Thị Nết 34 tuổi đời, với 14 năm tuổi Đảng, 12 năm làm Bí thư Chi bộ, Đội trưởng Đội cao su và 4 năm làm Giám đốc Nông trường. Ngần ấy thông tin cũng đủ nói lên sự năng động, tận tâm, trách nhiệm với công việc của một nữ giám đốc trẻ được công nhân yêu mến, tin tưởng.

Tuổi thơ khó khăn, vất vả

Chị Lò Thị Nết nhận Bằng khen của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Là dân tộc Thái, sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp ở bản Muôn, xã Mường Sại (Quỳnh Nhai). Nết là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em gái. Nữ giám đốc trẻ kể: Những năm còn nhỏ, không riêng gia đình em, mà cả bản khi đó chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp, nên thường xuyên thiếu ăn, vào mùa gặt xong chỉ hơn một tháng là hết thóc, mỗi năm 7-8 tháng phải ăn cơm độn ngô, sắn. Mặc dù kinh tế cả nhà chỉ trông chờ vào gần 1.000 m² ruộng, một ít nương ngô, sắn và chăn nuôi, nhưng bố mẹ chị vẫn cố gắng lo cho các con ăn học chu đáo. Thương bố mẹ vất vả, ngay từ khi học tiểu học, một buổi đi học, một buổi em lên nương chăn bò, cắt cỏ. Năm 2005, tốt nghiệp THPT, em theo học khuyến nông tại Trường Cao đẳng công nghệ và nông lâm Phú Thọ, với quyết tâm học để mang kiến thức về giúp gia đình và bà con trong bản xóa đói, giảm nghèo.

Cơ duyên với cây cao su

Năm 2007, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường trở về địa phương Lò Thị Nết đã được kết nạp vào Đảng. Đặc biệt, đây là thời điểm huyện Quỳnh Nhai đang trong giai đoạn nước rút thực hiện di dân TĐC phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Bản Muôn và xã Mường Sại đều nằm trong diện di chuyển, toàn bộ diện tích lúa ruộng sẽ bị ngập sâu trong lòng hồ, đất sản xuất còn lại chủ yếu là đồi trọc, khô cằn, không canh tác được các loại cây lương thực.

Chị Lò Thị Nết hướng dẫn công nhân kỹ thuật cạo mủ.

Thời gian này, tỉnh ta có chủ trương đưa cây cao su vào trồng tại các điểm TĐC để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển đổi một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm công nhân. Đầu năm 2008, huyện Quỳnh Nhai bắt đầu triển khai chương trình trồng cây cao su, với những kiến thức về khuyến nông đã học, Nết được nhận vào làm công nhân Công ty cổ phần cao su Sơn La, trực tiếp phụ trách kỹ thuật vườn ươm của Đội cao su Mường Sại. Với bản chất cần cù, chịu khó, Nết đã phát huy tốt những kiến thức về nông nghiệp được tiếp thu tại trường để áp dụng vào vườn ươm; đồng thời, tích cực nghiên cứu, ghép mắt cho ra loại cây giống phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Năm 2009, chị được Chi bộ Đội cao su Mường Sại bầu làm Bí thư.

Chị Lò Thị Nết kiểm tra vườn cây cao su của Nông trường.

Tuy nhiên, khi mới thực hiện chủ trương trồng cây cao su trên địa bàn gặp không ít khó khăn, bà con vốn chỉ biết làm ruộng, làm nương, chưa ai biết đến cây cao su và hiệu quả của nó ra sao. Là người dân địa phương, hiểu phong tục, tập quán của bà con, chị đã cùng cán bộ Công ty cổ phần cao su Sơn La, Đội cao su Mường Sại phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách trong việc đưa cây cao su vào thay thế những diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đất trống, đồi trọc, tạo việc làm cho nhân dân và chuyển một bộ phận nông dân sang làm công nhân ngay trên mảnh đất của mình. Đồng thời, vận động cán bộ xã, bản, các đảng viên gương mẫu tham gia góp đất thực hiện trước để bà con làm theo. Năm 2012, chị được Công ty cổ phần cao su Sơn La giao nhiệm vụ là Đội trưởng Đội cao su Mường Sại.

Thành quả của sự nỗ lực

Năm 2012, sau 4 năm thực hiện chương trình phát triển cây cao su, một khung cảnh hoàn toàn đổi mới bên lòng hồ thủy điện Sơn La, từng hàng, từng lô cây cao su chạy bao quanh khắp các sườn đồi. Bước đầu, cây cao su đã góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con các bản TĐC có việc làm, thu nhập và ổn định đời sống.

Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2016 là thời kỳ khó khăn nhất của Công ty cổ phần cao su Sơn La nói chung và Đội cao su Mường Sại nói riêng. Cây cao su hết thời gian kiến thiết cơ bản, cây đã khép tán nên diện tích trồng xen canh ngô, lạc, cỏ voi... rất ít. Cuối năm 2016, một ít diện tích đưa vào khai thác mủ, nhưng do số công nhân của đội lúc đó rất đông, nên nhiều công nhân chưa có việc làm, đời sống người dân góp đất trồng cao su và công nhân hết sức khó khăn. Có những năm thu nhập của công nhân sau khi trừ bảo hiểm xã hội còn chưa đến 100 nghìn/tháng, nhiều người không chăm sóc vườn cây, bỏ đi tìm việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp. Trước tình hình đó, cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn của Công ty, chị đã tham mưu sắp xếp lao động hợp lý giữa các đội cao su; vận động bà con trồng xen canh trong vườn cao su, chăn nuôi, đặc biệt là tuyên truyền bảo vệ vườn cây. Mặc dù trong những năm khó khăn nhất, diện tích cây cao su do Đội quản lý vẫn phát triển tốt và không bị chặt phá. Chị tích cực tham gia các lớp tập huấn cạo mủ để hướng dẫn cho công nhân, chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị đưa diện tích cây cao su vào khai thác.

Chị Lò Thị Nết kiểm tra chất lượng mủ khai thác.

Năm 2017, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã sáp nhập các đội cao su trên địa bàn và thành lập Nông trường cao su Châu Quỳnh. Lúc này, chị cũng đã hoàn thành chương trình đại học và được Công ty giao nhiệm vụ làm Giám đốc Nông trường. Với trách nhiệm là Bí thư chi bộ, người đứng đầu đơn vị sản xuất, chị luôn chủ động, dám nghĩ, dám làm, từ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công nhân chăm sóc, khai thác mủ đúng kỹ thuật, bảo đảm vườn cây có năng suất cao nhất và chất lượng sản phẩm tốt nhất. Thường xuyên động viên công nhân và những hộ dân góp đất trồng cao su, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Nhờ đó, Nông trường luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao, là điểm sáng của Công ty cổ phần cao su Sơn La.

Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, chị còn tích cực học tập nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện, Nông trường Châu Quỳnh đang quản lý 1.224 ha cây cao su, vườn cây của Nông trường luôn dẫn đầu trong toàn Công ty về năng suất mủ. Năm 2017, Nông trường chỉ khai thác được 485 tấn mủ đông, đến năm 2020 đã tăng lên hơn 2.000  tấn. Từ chỗ công nhân thiếu việc làm, đời sống khó khăn, đến nay đã có việc làm ổn định, lương bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng và được bảo đảm các chính sách theo quy định của Bộ Luật lao động. Đặc biệt, Nông trường có 2 công nhân đoạt giải kiện tướng tại hội thi “Bàn tay vàng” do Tập đoàn Công nghiệp cao su tổ chức. Đến nay, trong tổng số 1.677 hộ trên địa bàn tham gia góp đất trồng cao su đã cơ bản không còn hộ nghèo. Chương trình phát triển cây cao su góp phần giúp xã Chiềng Khoang và Chiềng Bằng của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Với những nỗ lực của cá nhân, chị Lò Thị Nết đã nhận được những phần thưởng xứng đáng của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trao tặng. Trong đó, nổi bật là năm 2019, được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năm 2020 được tặng bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Song có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với nữ Bí thư chi bộ, Giám đốc Nông trường cao su Châu Quỳnh Lò Thị Nết là đời sống công nhân cao su và người dân góp đất đang dần ổn định.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới