Nữ bác sỹ sáng tạo, tận tâm

Với nữ thầy thuốc ưu tú, bác sỹ chuyên khoa II Cầm Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La thì kỷ niệm, được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2017 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội hồi tháng 12/2017 không chỉ là niềm tự hào mà sẽ mãi là dấu ấn quan trọng và cũng là động lực để chị tiếp tục sáng tạo, tiếp tục tận tâm trong sự nghiệp “trị bệnh cứu người” theo lời Bác dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

 

Bác sỹ Cầm Thị Hương tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện.

 

Một ngày cuối năm Đinh Dậu, chúng tôi trở lại Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La để gặp bác sỹ Cầm Thị Hương. Nhớ lại cách đây 17 năm, tôi đã may mắn được gặp và viết về chị, khi đó chị Hương vừa hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Điều tra đánh giá hiệu quả và sản xuất thử nghiệm bài thuốc nam điều trị viêm đại tràng của dân tộc Thái Sơn La”. Những cảm nhận về chị ngày ấy đến nay vẫn không thay đổi: Yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, say mê nghiên cứu khoa học để cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Và cũng như lần gặp trước, lần này bác sỹ Hương lại say sưa nói về những nghiên cứu khoa học của bản thân và đồng nghiệp để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Riêng bản thân chị đã nghiên cứu và tham gia nghiên cứu 12 đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ và cấp Nhà nước. Điều đáng nói là, qua nghiên cứu, sưu tầm các phương pháp chữa bệnh của các dân tộc vùng Tây Bắc, bác sỹ Hương đã đúc kết lại trong 2 cuốn sách: Thuốc cổ truyền của dân tộc Thái và Thuốc cổ truyền của dân tộc Mông ở Sơn La. Đặc biệt, 5 công trình nghiên cứu của chị đã được áp dụng vào thực tế, với quy mô trong tỉnh, tỉnh bạn và toàn quốc. Đó là: Viên thuốc đại tràng an; phát triển thuốc y học cổ truyền ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An; bài thuốc tán sỏi C; sách thuốc cổ truyền dân tộc Thái; sách thuốc cổ truyền dân tộc Mông. Trò chuyện với chị, chúng tôi cảm nhận hơn về lòng tâm huyết với nghề của nữ bác sỹ người dân tộc Thái này.

Sinh ra và lớn lên tại xã Chiềng An, thị xã Sơn La (nay là phường Chiềng An, thành phố Sơn La), được chứng kiến ông ngoại (ông Cầm Văn Chung, nguyên Trưởng ty Y tế khu tự trị Thái Mèo từ năm 1955) chữa bệnh cho nhiều người, nên từ khi còn nhỏ, cô bé Hương đã mơ ước trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho người dân trong bản, trong xã. Để ước mơ thành hiện thực, chị Hương luôn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức văn hóa, chuẩn bị hành trang cho tương lai. Năm 1985, chị thi đỗ Trường Đại học Y Bắc Thái. 7 năm trên giảng đường đại học, cùng với việc tích lũy được kiến thức của nghề, chị còn tích cực nghiên cứu, sưu tầm các phương pháp chữa bệnh của các dân tộc vùng Tây Bắc, với mong muốn có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để chữa bệnh cho đồng bào quê hương mình và cũng là để bảo tồn và phát triển nghề “trị bệnh cứu người” bằng phương pháp y học cổ truyền. Có lẽ chính vì những suy nghĩ đó, nên sau khi tốt nghiệp đại học về công tác được một thời gian, chị Hương lại tiếp tục theo học hệ bác sỹ chuyên khoa I chuyên ngành nội khoa tổng hợp và bác sỹ chuyên khoa II chuyên ngành nội cơ xương khớp.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi nhiều lượt cán bộ y, bác sỹ gặp chị để xin ý kiến giải quyết một số công việc. Chị Hương phân bua: Nhà báo thông cảm, ưu tiên việc chữa trị cho bệnh nhân trước. Dù phải đợi, nhưng tôi lại được chứng kiến cách chị giải quyết các công việc nhanh, gọn và cảm nhận nhiều hơn về sự tận tâm vì người bệnh khi chị ân cần thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện. Trong 25 năm thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc, chị Hương không nhớ mình đã trực tiếp điều trị khỏi bệnh cho bao nhiêu bệnh nhân và đã bao nhiêu lần thực hiện các thủ thuật kỹ thuật chuyên khoa sâu để cứu chữa bệnh nhân... Nhưng điều chắc chắn là, chưa một lần chị để xảy ra sai sót về chuyên môn và cũng chưa một lần bị bệnh nhân thắc mắc, hay khiếu kiện về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc trong quá trình chữa trị bệnh. Hiện nay, đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, chị Hương cùng với Ban giám đốc Bệnh viện xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong hoạt động, Bệnh viện thực hiện kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại, từng bước CNH, HĐH nền y học cổ truyền; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong điều trị, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Với các bài thuốc y học cổ truyền, phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi, siêu âm điều trị... đã giúp nhiều người được điều trị khỏi các bệnh đau lưng, đau dây thần kinh, liệt nửa người do tai biến mạch máu não... Đội ngũ thầy thuốc còn tích cực nghiên cứu và kế thừa các bài thuốc dân gian để chữa bệnh viêm đại tràng mạn tính, viêm gan mạn tính, viêm xoang, viêm dạ dày... Triển khai các kỹ thuật điều trị chuyên khoa, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến trong chữa trị cho người bệnh. Mặc dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng bác sỹ Hương vẫn trực tiếp thực hiện các thủ thuật kỹ thuật chuyên khoa sâu, tham gia hội chẩn những ca bệnh khó...; hướng dẫn các bác sỹ trẻ phương pháp nghiên cứu khoa học, cách ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn khám, chữa bệnh...

Tâm sự với chúng tôi về vai trò của người “đứng mũi chịu sào”, chị Hương nói: Để Bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, điều quan trọng nhất là tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn thể cán bộ viên chức. Vì vậy, tôi bàn bạc trong Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện thực hiện tốt quy chế dân chủ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ kế hoạch hoạt động chuyên môn, quy chế chi tiêu nội bộ, mua sắm trang thiết bị y tế, công tác cán bộ... Đồng thời, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo:, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “xây dựng Bệnh viện xanh - sạch - đẹp”; thực hiện tốt 12 điều y đức, Quy tắc ứng xử trong ngành... Qua đó,  khuyến khích, động viên đội ngũ thầy thuốc tích cực rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, góp sức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện có năng lực chuyên môn, bảo đảm tiếp nhận các kỹ thuật mới để ứng dụng vào chữa trị bệnh nhân, với trên 90% số người bệnh được điều trị khỏi, đỡ.

Cảm thông, chia sẻ với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bác sỹ Hương đã đề xuất việc hằng tháng vận động cán bộ, viên chức trong Bệnh viện quyên góp ủng hộ các bệnh nhân vùng cao đang điều trị tại Bệnh viện 50 suất quà, giúp họ giải quyết khó khăn trước mắt để yên tâm điều trị. Riêng trong năm 2017, Bệnh viện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 1.700 người dân của xã Chiềng Hoa (Mường La) và Phiêng Ban (Bắc Yên). Đặc biệt, Bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hoàn tất các điều kiện để khai trương “Gian hàng từ thiện” tại Bệnh viện, nhằm hỗ trợ các đồ dùng thiết yếu cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế (27/2/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Khắc ghi lời Người dạy, bác sỹ Cầm Thị Hương luôn nỗ lực phấn đấu, cùng với đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh làm tốt việc “trị bệnh cứu người”, góp sức chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới