Nông dân tiêu biểu 4.0

“Ngày nay, nông dân chúng tôi muốn làm giàu từ nông nghiệp thì cần tiếp cận nhanh nhạy với cuộc cách mạng công nghiệp khiến đất đơm hoa, kết trái, để cho ra những sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn, năng suất cao nhất”! Đó là nhận định của anh Bùi Văn Lộc, ở tiểu khu 32, xã Cò Nòi (Mai Sơn) khi biết chúng tôi tìm gặp anh để viết về điển hình thanh niên làm kinh tế thời 4.0.

                          

 

Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX Bảo Khánh (thứ 2 từ phải sang)

nhận Giấy chứng nhận HTX sản xuất và kinh doanh tiêu biểu năm 2018 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

             

Anh Bùi Văn Lộc năm nay vừa tròn 30 tuổi, nhưng anh đã có 10 năm gắn bó với cây ăn quả vườn đồi. Tiếp chúng tôi trong ngôi biệt thự mới hoàn thành đầu năm, anh Lộc say sưa nói về những cách làm nông nghiệp công nghệ cao. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cò Nòi, nơi được coi là vựa na của tỉnh. Bản thân nhận thấy giống na bản địa năng suất chất lượng không cao, giá thành thấp, nên anh đã tìm hiểu, nghiên cứu và dồn toàn tâm ý để phát triển giống na Hoàng hậu. Na Hoàng hậu có xuất xứ từ Thái Lan, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ có nông dân huyện Mai Sơn đưa vào trồng thành công. Anh Lộc nhớ lại: Năm 2015, tôi đã lặn lội vào tận Đồng Nai để mua 50 cây giống Na Hoàng hậu về ghép vào thân cây na bản địa. Sau 2 năm chăm sóc, cả vườn na mà tôi chỉ thu được vỏn vẹn 2 quả. Không nản trí, quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc, sang năm thứ 3 thì cây bắt đầu đậu quả và cho thu hoạch. Na Hoàng hậu có ưu điểm là khả năng chịu sâu bệnh, chịu úng, chịu hạn cao, nên tôi đã tự nghiên cứu, lai ghép mở rộng thêm 2.000 cây sau đó.

             

Anh Bùi Văn Lộc cùng đại diện Huyện Đoàn Mai Sơn trao bò cho hộ nghèo tại xã Cò Nòi (Ảnh do nhân vật cung cấp).

             

Chúng tôi cùng ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn thăm vườn na Hoàng hậu của gia đình anh Lộc, mọi người không khỏi xuýt xoa thích thú, vườn na ngút tầm mắt, những cây na cao đến 4m, được trồng thành hàng, cây cách cây 3m đều tăm tắp, tán rộng 2m vây tròn thân cây, lá na Hoàng hậu dày, dài, xanh đậm và to bằng bàn tay, nên cả khu đất như được lợp một màu xanh mướt. Ngắm vườn na - thành quả ngày hôm nay, anh Lộc bộc bạch: Trước đây, diện tích 7 ha này, gia đình tôi trồng chủ yếu là nhãn và giống na cũ của địa phương, nhưng tôi nghĩ mình làm nông, sống bằng nghề nông thì mình phải “chọn cây gửi đất”, phải lựa cây nào hợp thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì trồng. Sau nhiều lần nghiên cứu, cây na Hoàng hậu là lựa chọn số 1, hiện nay, 2.500 gốc na Hoàng hậu của gia đình đang ra những quả to. Giống na này ít hạt, mắt na sáng mịn, có thịt dai, dẻo, rất thơm ngon, ngọt, khi chín không bị nứt vỏ, quả to gấp 3-4 lần na thường, mỗi quả có trọng lượng từ 0,6-1,4kg, tùy vào việc chăm sóc mỗi cây cho thu từ 30-60kg quả/năm.

             

Anh Lộc chăm sóc vườn na Hoàng hậu.

             

Sau khi lai ghép cây na Hoàng hậu thành công, không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng mang lại thu nhập cao. Phát huy sức trẻ, anh Lộc đã khiến nhiều người thán phục khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trên 7 ha na với chi phí lắp đặt khoảng 300 triệu đồng/ha. Không ít người cho rằng anh “chơi trội” vì như thế là lãng phí, không cần thiết bởi số tiền hàng trăm triệu đồng bỏ ra là cả một gia tài đối với nhà nông. Song, quan điểm của anh là khi đã gắn bó với nông nghiệp không còn cách nào khác là phải thay đổi cách làm truyền thống, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để không bị bỏ lại phía sau khi cả thế giới đang trong thời kỳ công nghệ 4.0. Việc đầu tư công nghệ sẽ tốn tiền ban đầu, nhưng hiệu quả mang lại lâu dài của giàn tưới tự động thì không thể phủ nhận. Hệ thống tưới được anh Lộc đặt dưới đất với các vòi phun nước khắp vườn na để đảm bảo cây nào cũng được tưới đều.

             

Vườn na Hoàng hậu của anh Lộc mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

             

Để minh chứng hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, anh Lộc cho chúng tôi thấy chỉ bằng một thao tác bật công tắc điện, nước đã được bơm tự động theo các đường ống đến các vòi phun khắp vườn cây ăn quả. Anh Lộc nói: So với trước kia việc tưới tiêu cho cây trồng của gia đình trở nên đơn giản hơn rất nhiều, khi cần bón phân chỉ cần hòa vào bể chứa nước đầu nguồn, nhờ đó giảm được đáng kể ngày công lao động, lại giúp cây trồng được chăm sóc thường xuyên, năng suất tăng lên 20% so với trước. Vụ na năm nay, gia đình anh ước thu khoảng 70 tấn, với giá giao động từ 80.000-120.000 đồng/1kg, trừ chi phí, thu nhập khoảng 5 tỷ đồng.

             

Nhìn vườn na xanh tốt, sai trĩu quả, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Mai Sơn Cầm Văn Thắng hãnh diện nói: Huyện Mai Sơn có khoảng 140 ha na, là huyện trồng nhiều na nhất tỉnh. Riêng ở Cò Nòi, năm 2017, anh Bùi Văn Lộc đã kết hợp với với 22 hộ gia đình khác thành lập Hợp tác xã Bảo Khánh. Với sự sáng tạo, nhạy bén với thị trường, anh Lộc đã hướng dẫn các thành viên HTX thực hiện đúng quy trình sản xuất VietGAP. Niềm vui đến với HTX Bảo Khánh khi tháng 6/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu “Na Thái Mai Sơn, đặc sản Sơn La”. Sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, tất cả các sản phẩm na Thái (na Hoàng hậu) của Hợp tác xã Bảo Khánh đều được dán tem truy xuất để cung cấp thông tin về nguồn gốc, cũng như giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm của Hợp tác xã Bảo Khánh với các đơn vị khác. Hiện, na Thái Mai Sơn là đặc sản mũi nhọn nông sản huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Xây dựng được nhãn hiệu nguồn gốc của “Na Thái Mai Sơn, đặc sản Sơn La” có đóng góp không nhỏ của anh Bùi Văn Lộc.

             

Ngoài thu nhập từ trồng cây ăn quả, anh Bùi Văn Lộc còn mở thêm Cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảo Lộc kinh doanh các loại phân bón, hạt giống và thuốc bảo vệ thực vật các loại. Yêu thích làm nông nghiệp, giàu có lên cũng nhờ nông nghiệp, với mong muốn cung cấp những mặt hàng phục vụ sản xuất chính hãng cho bà con, cửa hàng còn là nơi để trao đổi, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho nông dân.

             

Mô hình trang trại ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của anh đã và đang phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 như hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh.  Anh Lộc nói về dự định đang ấp ủ: Qua các phương tiện truyền thông, nhận thấy thương mại điện tử đang là hướng đi mới giúp sản phẩm nông nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó cần xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để cạnh tranh trên thị trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, nên thời gian tới, tôi sẽ cùng các hội viên xây dựng sản phẩm na Hoàng hậu đạt sản phẩm OCOP. Đồng thời, xây dựng trang web về sản phẩm na Hoàng hậu Mai Sơn. Với hướng đi đưa nông sản lên sàn giao dịch, chắc chắn sẽ quảng bá, ngày càng mở rộng thị trường na Hoàng hậu và tạo sự thuận tiện hơn với người mua.

             

Không chỉ là anh nông dân năng động trong thời đại 4.0, anh Bùi Văn Lộc còn là công dân có trách nhiệm với công tác xã hội của địa phương. Trong 2 năm (2018-2019), anh đã vận động bà con cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn, bản thân gia đình anh đã tự nguyện đóng góp 30 triệu để làm đường bê tông nội đồng ở tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Ngoài ra, anh phối hợp với Huyện Đoàn mua 1 con bò giống trị giá 10 triệu đồng tặng hộ nghèo ở xã Cò Nòi.

             

Thanh niên trẻ Bùi Văn Lộc xứng đáng là “nông dân tiêu biểu thời đại 4.0”. Anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà; Bằng khen xuất sắc trong phong trào thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp... Thành quả lớn hơn là anh đã tạo nên niềm cảm hứng, gợi mở để lớp thanh niên ở địa phương vươn lên trên con đường khởi nghiệp.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.