Trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sơn La, anh Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần NS Đức Việt, xã Tông Cọ (Thuận Châu) không chỉ được biết đến là doanh nhân thành đạt mà còn là người có tấm lòng nhân ái, giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật vùng cao.
Khởi nghiệp “0 đồng”
Anh Nguyễn Văn Nguyên (đầu tiên bên phải) nhận Giấy khen của UBND huyện Thuận Châu
về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Cùng đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lên vùng cao Co Tòng cắt băng khánh thành tuyến đường liên bản Cá Chua - Co Nhừ được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh chung tay xây dựng, chúng tôi được nghe kể về tấm lòng nhân ái của doanh nhân Nguyễn Văn Nguyên, người đã giúp đỡ nhiều trẻ em ở các bản vùng cao của tỉnh phẫu thuật loại bỏ khuyết tật bẩm sinh. Cánh cửa tương lai của các em được rộng mở nhờ tình yêu thương, chia sẻ của anh.
Nhìn bề ngoài ít ai biết rằng, người đàn ông thành đạt mang lại niềm vui cho nhiều người lại khởi nghiệp khá vất vả. Sinh năm 1973, trong gia đình có 6 anh, chị em tại tỉnh Hà Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyên thi đỗ vào Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Khi tốt nghiệp, anh quyết định lên Thuận Châu khởi nghiệp bằng nghề mộc.
Anh Nguyên nhớ lại: Hành trang lên Tây Bắc chỉ gói gọn trong chiếc ba lô, với vài bộ quần áo và mấy trăm nghìn đồng đi đường. Lạ lẫm nơi đất khách, chưa hiểu về phong tục tập quán, khiến tôi mất khá nhiều thời gian mới thích nghi. Với số tiền tích góp từ nghề mộc, năm 2002, tôi thành lập Công ty Thuận Nguyên, chuyên khai thác đá và tham gia vận chuyển di dân TĐC vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Năm 2016, tôi đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần NS Đức Việt, tham gia các chương trình dự án, vận tải, xúc ủi mặt bằng, xây dựng.
Sau 18 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã tạo được uy tín trên thương trường; doanh thu gần chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Những “chuyến đò” nhân ái
Anh Nguyễn Văn Nguyên (đứng sau) thăm và tặng quà cho gia đình em Quàng Thị Linh.
Điều khiến bạn bè, đồng nghiệp cảm phục khi nhắc về doanh nhân Nguyễn Văn Nguyên là tấm lòng nhân hậu, luôn quan tâm, giúp đỡ người yếu thế, nhất là trẻ em. Ngôi nhà của gia đình anh trở thành nơi nghỉ trọ của người thân và các cháu khuyết tật; chiếc ô tô của gia đình cũng trở thành phương tiện đưa, đón các cháu từ các bản vùng cao về Hà Nội phẫu thuật. Những chuyến xe đó được bạn bè anh gọi bằng cái tên thân thương: “Chuyến đò” nhân ái.
“Chuyến đò” đầu tiên là trường hợp cháu Vừ Quốc Khánh, 7 tuổi, bản Co Tòng, xã Co Tòng. Mọi người thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, vậy mà từ khi mới 8 tháng tuổi, mắt bên phải của em đã bị khối u. Khối u ngày càng phát triển, khiến mắt phải bị viêm nhiễm, thường xuyên đau nhức. Anh Nguyên kể: Trong thời gian thi công tuyến đường vào bản Cá Chua, vào giờ ra chơi của học sinh, tôi phát hiện có một bé trai mắt bên phải bị lồi, to bằng cái chén, khi lại gần hỏi chuyện, em đã bỏ chạy. Qua tìm hiểu từ cô giáo chủ nhiệm lớp, biết được gia cảnh đặc biệt khó khăn của Khánh. Bố Khánh có 6 người vợ, 17 người con, mẹ em là vợ thứ 2; nhà đông người, gia đình thuộc diện nghèo của bản.
Hình ảnh Quàng Thị Linh và Quang Văn Thông sau 2 lần phẫu thuật.
Để giúp Khánh chữa bệnh, anh Nguyên đã mất nhiều thời gian thuyết phục ông Vừ Gà Nếnh (bố của em). Trước khi đưa Khánh đi chữa bệnh, anh đã đến UBND xã Co Tòng làm cam kết. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, Khánh được các bác sỹ chẩn đoán ung thư mắt và phần phụ, được chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, cứu được tính mạng em, nhưng không cứu được con mắt, nên Khánh phải sử dụng mắt giả. Để thực hiện ca phẫu thuật đó, anh Nguyên cùng các mạnh thường quân ủng hộ gần 200 triệu đồng, trừ chi phí phẫu thuật còn 80 triệu đồng, số tiền này được anh và nhóm thiện nguyện lên kế hoạch để lo tương lai cho Khánh.
Chúng tôi đã cùng vợ chồng anh Nguyên đến gia đình anh Quàng Văn Bảy, bản Nà Lầu, xã Mường É (Thuận Châu). Trong ngôi nhà sàn ọp ẹp không có gì giá trị, anh Bảy buồn rầu nói: Hai vợ chồng tôi sinh được 3 người con, trong đó 2 cháu Quàng Thị Linh và Quàng Văn Thông bị dị tật bẩm sinh, khối u ở đầu và mặt ngày càng phát triển, khiến mặt bị biến dạng. Nhà nghèo, nên khi học hết THCS, Linh bỏ học ở nhà phụ gia đình làm nương. Các cháu luôn tự ty, mặc cảm. Thật may mắn được anh Nguyên hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, nên hình thức bên ngoài các cháu đã có nhiều thay đổi, tự tin hơn trong cuộc sống.
Anh Nguyên kể: Tháng 12/2019, tôi đưa Linh và Thông về Hà Nội thăm khám và phẫu thuật. Đây là ca dị tật bẩm sinh phức tạp nhất trong số những trường hợp tôi giúp đỡ. Khi đưa 2 cháu về Bệnh viện K ở Hà Nội khám, bác sĩ chẩn đoán u lành tính, nhưng phải phẫu thuật chỉnh hình tới 10 lần, với tổng chi phí khoảng 700 triệu đồng. Tiền có thể tìm cách xoay sở, nhưng đây là ca đại phẫu mất rất nhiều thời gian và rủi ro cao. Được sự đồng ý của gia đình và hỗ trợ kinh phí của các mạnh thường quân, chúng tôi quyết định đưa 2 cháu đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để phẫu thuật. Đến nay, sau 2 lần phẫu thuật, khối u của các cháu đã giảm tới 90%.
Qua xem những bức ảnh trước và sau phẫu thuật, chúng tôi nhận thấy khuôn mặt của Linh và Thông đã có nhiều thay đổi, các cháu vui vẻ hơn nhiều. Linh xúc động: Trước đây, bố mẹ đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu khám, bác sĩ nói bệnh rất khó chữa, cháu buồn lắm. Chúng cháu rất biết ơn gia đình chú Nguyên. Khi có sức khỏe cháu sẽ chăm chỉ giúp bố mẹ làm kinh tế để các em được tiếp tục học hành.
Ngoài Khánh, Linh và Thông, được biết anh Nguyên còn trực tiếp đưa, đón 13 trẻ bị hở hàm ếch ở các xã, bản vùng cao của huyện Thuận Châu, Bắc Yên, Mộc Châu, Mường La đi phẫu thuật. Cùng với đó, anh còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương như: Tổ chức cấp phát quần áo mùa đông, trao hơn 4.000 suất quà, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã vùng sâu, vùng xa; huy động nguồn lực từ các cá nhân, nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện xây một phòng học, sân trường, đường bê tông và nhiều công trình ý nghĩa khác cho các điểm trường trên địa bàn huyện Thuận Châu, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Lan tỏa yêu thương
Đánh giá những đóng góp của doanh nhân Nguyễn Văn Nguyên, ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ghi nhận: Hoạt động xã hội từ thiện của anh Nguyên là rất thiết thực. Anh đã trực tiếp vận động quyên góp, giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn. Đây là tấm gương sáng trong hoạt động từ thiện nhân đạo, lan tỏa không chỉ trong cộng đồng các doanh nghiệp mà trong cả xã hội.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Nguyên cho biết: Gia đình tôi đã liên hệ với các trường học trên địa bàn huyện Thuận Châu và các huyện lân cận để biết thêm thông tin về các trường hợp trẻ nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh, từ đó kêu gọi các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện chung tay hỗ trợ kinh phí, giúp các em tìm lại nụ cười. Điều mừng là, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè, các nhóm thiện nguyện trong tỉnh và các tỉnh: Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam. Từ năm 2019 đến nay, số tiền quyên góp, ủng hộ cho các trẻ đi phẫu thuật, xây dựng các điểm trường và quà tặng đã hơn 2 tỷ đồng.
Với sự năng nổ, tích cực tham gia công tác Hội và các hoạt động an sinh xã hội, anh Nguyên được tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội phó Chi hội Doanh nghiệp Thuận Châu và Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh. Nhiều năm liền, anh được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và huyện Thuận Châu biểu dương, khen thưởng về những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, an sinh xã hội và phong trào Hội.
Chia tay các em nhỏ, những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của những đứa trẻ đã khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Càng thêm cảm phục tấm lòng và trái tim nhân hậu của anh Nguyễn Văn Nguyên, đã luôn chia sẻ yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tấm gương ấy cần được lan tỏa và nhân rộng trong cộng đồng.
A Mua - Minh Thu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!