Nhà sáng chế không chuyên

Mặc dù không được đào tạo bài bản, nhưng với lòng đam mê và tinh thần sáng tạo, anh Tòng Văn Quang, ở bản Noong Pi, xã Pi Toong (Mường La) đã chế tạo thành công máy phát điện mini, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân nơi đây.

 

 

Người dân bản Ten, xã Pi Toong (Mường La) lắp đặt máy phát điện mini mua của anh Quang.

 

Sinh năm 1982, nhưng khuôn mặt có phần trẻ hơn so với tuổi, anh Quang vui vẻ, dễ gần và hồ hởi tiếp chuyện khi chúng tôi đến tìm hiểu về niềm đam mê với khoa học kỹ thuật và những sáng chế của mình. Anh Quang kể: Từ bé tôi đã đam mê công nghệ, kỹ thuật và sưu tầm các thứ về để nghiên cứu, chế tạo. Tuy nhiên, đều là tự mày mò nên đa phần đều thất bại. Đến năm 2013, tôi mở 1 cửa hàng sửa xe máy, ngày thì làm việc, cứ rảnh rỗi là nghiên cứu, tiền sửa xe máy không đủ đầu tư vào mua linh kiện để chế tạo, thế nhưng tôi quyết không bỏ cuộc. Anh Quang nhớ lại: Thời điểm năm 2010, máy phát điện đã có bán trên thị trường nhưng giá thành rất đắt, nên phần lớn người dân không thể mua nổi, nhiều hộ dân trong bản không có điện dùng, nên tôi có ý định sáng chế ra chiếc máy phát điện mini, hoạt động đơn giản và có thể sử dụng rộng rãi. Sau nhiều lần mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu, mất rất nhiều “học phí”, đến năm 2014, tôi đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy phát điện mini sử dụng động cơ máy lọc nước, được nhiều người dân quanh vùng biết tới và đặt hàng.

 

Giới thiệu về chiếc máy phát điện mini, anh Quang say sưa: Với cấu tạo đơn giản, máy phát điện mini sử dụng động cơ máy lọc nước có 2 phần chính gồm: phần cánh quạt để thu sức nước và phần lõi có cấu tạo như một chiếc mô-tơ. Gọi là mini vì kích thước máy chỉ khoảng 30 cm, tuy nhiên, hiệu quả máy mang lại khá cao.

 

Để chúng tôi được “mục sở thị”, anh Quang mang máy phát điện mini ra thực hành, chỉ mất 5 phút lắp đặt, khi chiếc quạt được gắn ở máy phát điện hoạt động, làm 5 chiếc bóng đèn công suất nhỏ đồng loạt phát sáng, chiếc quạt cây cỡ nhỏ cũng quay. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Quang giải thích: Khi cánh quạt quay, chuyển động được truyền đến bộ phận động cơ bên trong tạo nên dòng điện. Dòng điện có thể lên tới 220V D/C (điện một chiều) có thể chạy ổn định bóng đèn, quạt cỡ nhỏ, đặc biệt không gây giật, rất an toàn cho người sử dụng. Nếu kết hợp với bộ kích, nắn dòng, ổn áp thì có thể chạy được các loại máy như: máy khoan, máy cắt...

 

Là người đầu tiên mua máy phát điện mi ni của anh Quang về dùng, ông Quàng Văn Inh, bản Ten, xã Pi Toong nói: Cuối năm 2014, tôi mua máy phát điện mini về dùng, máy có cấu tạo đơn giản, chỉ cần lắp đường ống dẫn nước để tạo sức quay cho cánh quạt, độ bền lại cao. Đã 6 năm qua, mà máy phát điện vẫn chạy đều đặn và chưa phải sửa chữa gì.

 

Năm 2017, khi Mường La xảy ra trận lũ lịch sử tại xã Nặm Păm, thời điểm ấy, giao thông bị chia cắt, hệ thống điện lưới bị hỏng nghiêm trọng, rất nhiều người tìm đến anh Quang đặt mua máy phát điện mini về phục vụ nhu cầu thắp sáng. Với tính hiệu quả của chiếc máy phát điện mini, bà con yêu quý đặt cho anh những tên thân mật “nhà sáng chế chân đất”, “nhà sáng chế không chuyên”... Đến nay, anh đã bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai hơn 2.500 máy phát điện mini, với giá thành từ 900 nghìn đồng đến 1,6 triệu đồng/chiếc.

 

Năm 2018, anh đem sản phẩm đi dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 và được đánh giá cao về tính sáng tạo và khả năng áp dụng, sản phẩm đã đạt giải Khuyến khích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với những thành công bước đầu, sẽ tạo động lực để anh tiếp tục đam mê nghiên cứu, có thêm những sản phẩm khoa học mang tính thực tiễn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới