Kỹ sư Phạm Hân Hạnh, cán bộ nông nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn là người đã có 4 giải pháp, công trình đạt giải liên tiếp tại 4 kỳ Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của anh đã được áp dụng vào thực tiễn và phát huy hiệu quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Gần 25 năm công tác, thường xuyên trực tiếp tư vấn, tập huấn cho người dân về kỹ thuật phát triển trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân xây dựng các mô hình kinh tế hơn ai hết anh Hạnh thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân, nên anh luôn nỗ lực nghiên cứu những giải pháp hữu ích phát triển, nâng cao năng suất cây trồng để phục vụ bà con.
Kỹ sư Phạm Hân Hạnh áp dụng kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, ra hoa, đậu quả theo ý muốn trên cây bưởi da xanh.
Một trong những giải pháp kỹ thuật của kỹ sư Hạnh đã và đang phát huy đạt hiệu quả cao trong thực tế, phải kể đến giải pháp “Kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, vị trí ra hoa, đậu quả trên cây bưởi da xanh theo ý muốn trên địa bàn huyện Mai Sơn”. Qua nghiên cứu, bằng các biện pháp chăm sóc thích hợp cây bưởi sẽ ra chồi mới trong thân cây, cây sẽ cho nhiều nhánh nhỏ trong thân, từng nhánh nhỏ là nơi cây sẽ cho ra hoa, đậu quả. Việc ra hoa, đậu quả trong thân cây sẽ làm cho quả không bị rám nắng, vỏ màu xanh đẹp, quả to, múi dày. Nhờ có giải pháp của anh Hạnh mà người nông dân có thể điều chỉnh cây bưởi da xanh ra hoa, đậu quả quanh năm theo ý muốn. Đáng chú ý, khi áp dụng giải pháp này, tỷ lệ quả chín không hạt đạt gần như tuyệt đối.
Kỹ sư Phạm Hân Hạnh hướng dẫn người dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn)
áp dụng kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, ra hoa, đậu quả theo ý muốn.
Là một trong những hộ áp dụng kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, ra hoa, đậu quả theo ý muốn của kỹ sư Phạm Hân Hạnh, ông Đỗ Xuân Khởi, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) cho biết: Từ cuối năm 2015, được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của kỹ sư Phạm Hân Hạnh, gia đình tôi đã áp dụng kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ ra hoa, đậu quả trên cây bưởi da xanh theo ý muốn. Nhờ việc áp dụng theo đúng kỹ thuật và quy trình chăm sóc, nên mặc dù không phải chính vụ nhưng những cây bưởi của gia đình tôi đang cho quả, cùng với đó là những lứa hoa ra gối nhau liên tục. Sau khi áp dụng giải pháp, vụ tiếp theo vườn bưởi của gia đình tôi sản lượng quả thu hoạch tăng 20%. Đặc biệt, có cây cho thu hoạch lên tới 70 quả/cây.
Ngoài giải pháp trên, anh còn có nhiều sáng kiến, giải pháp khác đã được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, như: “Nâng cao năng suất sinh sản cho lợn nái, chất lượng lợn thịt thương phẩm tại địa bàn tỉnh Sơn La”, khi áp dụng giải pháp này, năng suất sinh sản của lợn nái tăng lên đáng kể, trung bình từ 18 – 25 con/lứa/nái, trong khi với điều kiện lý tưởng, một lứa lợn đẻ trung bình từ 10 – 15 con/nái; “Mô hình máy ấp trứng gia cầm tự chế đơn giản và rẻ tiền, được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất”, đây là mô hình sử dụng máy ấp trứng thông minh, tự động hoàn toàn do anh sáng tạo có thiết kế đơn giản, gồm: Thùng máy, khay trứng, bộ phận tạo và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, thiết bị đảo trứng. Chiếc máy ban đầu có công suất ấp 50 trứng đơn kỳ, sau đó cùng áp dụng thiết kế này có thể tạo ra chiếc máy đa kỳ có công suất gần 20.000 trứng, giá thành rẻ hơn một nửa so với các máy ấp trứng cùng công suất. Sử dụng máy cho tỷ lệ trứng nở lên tới trên 80%, trứng nở đồng loạt, con giống sạch bệnh, độ bền sử dụng máy cao… Ngoài ra, anh còn nghiên cứu và hoàn thành hơn 3.500 công trình khí sinh học áp dụng vào việc đun nấu hàng ngày, chạy máy phát điện tại các trang trại chăn nuôi, chạy máy xay xát, máy nghiền thức ăn gia súc bằng nhiên liệu khí sinh học, thay nhiên liệu xăng dầu.
Kỹ sư Phạm Hân Hạnh thuyết trình "Mô hình máy ấp trứng gia cầm tự chế đơn giản
và rẻ tiền, được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất”.
Ngoài đam mê nghiên cứu, sáng tạo, những năm qua anh Hạnh còn đồng hành với người dân, trực tiếp tập huấn kỹ thuật xây dựng các mô hình tăng giá trị trên một đơn vị diện tích cho trên 600 hộ nông dân bằng các công thức thâm canh tăng năng suất như: mô hình thâm canh cam, bưởi da xanh; táo Đài Loan; mô hình thâm canh, thụ phấn cho na; ghép cải tạo cây ăn quả nhãn chín muộn. Đặc biệt, tại các bản tái định cư của huyện Mai Sơn, anh đã xây dựng các mô hình, tập huấn cho gần 400 lượt nông dân về kỹ thuật chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, chăn nuôi thỏ, chăn nuôi bò nái sinh sản, giúp người dân tái định cư làm quen với điều kiện nơi ở mới, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Kỹ sư Hạnh hướng dẫn hộ dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ghi nhận những sáng tạo khoa học kỹ thuật và những cống hiến của kỹ sư Phạm Hân Hạnh, năm 2018, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông”; nhiều năm liền được UBND tỉnh tôn vinh là trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo. Đó là những thành quả xứng đáng cho những đóng góp của anh cho nền nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân tại địa phương.
Kỹ sư Phạm Hân Hạnh được tôn vinh là "Nhà khoa học của nhà nông" năm 2018
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!