Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ sư nông nghiệp Phạm Hân Hạnh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
Anh Phạm Hân Hạnh chăm sóc vườn cây giống đầu dòng do anh sưu tập.
Giải pháp điều chỉnh rải vụ, vị trí ra hoa, đậu quả, thụ phấn nhân tạo bổ sung cho cây na là một trong những giải pháp kỹ thuật tiêu biểu của kỹ sư nông nghiệp Phạm Hân Hạnh đến nay vẫn được áp dụng, nâng cao năng suất, chất lượng quả, thu nhập cho các hộ nông dân.
Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Đạt, thị trấn Hát Lót, hộ đầu tiên được anh Hạnh hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật. Ông Đạt cho biết: Với 1,5 ha na áp dụng kỹ thuật này, mỗi năm cho sản lượng đạt đến 15 tấn, tăng gấp đôi sản lượng so với phát triển tự nhiên; trọng lượng quả từ 0,3-0,5 kg, giá bán tại vườn trung bình 25.000 đồng/kg, vào đầu vụ, cuối vụ đạt tới 60.000 đồng-65.000 đồng/kg. Tính ra 1,5 ha na, đem lại doanh thu từ 400-500 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ những mô hình đã được nhân rộng ở thị trấn Hát Lót và xã Cò Nòi, với 600 hộ trồng 650 ha na.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2018, với sáng kiến mô hình máy ấp trứng gia cầm tự chế đơn giản, chi phí đầu tư thấp, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Anh Phạm Hân Hạnh chia sẻ: Trên thị trường giá bán từ 9-10 triệu đồng với máy ấp trứng công suất 2.000 quả/lần ấp, chỉ những trang trại chăn nuôi gia cầm lớn mới có điều kiện sử dụng. Do đó, tôi đã nghiên cứu, tận dụng thùng xốp, tủ lạnh, tủ đá hỏng để làm vỏ máy ấp trứng. Khay trứng được làm từ thanh gỗ, thanh nhựa gắn motor đảo trứng tự động. Với máy ấp trứng tự chế này, chi phí chỉ khoảng 100.000 đồng, có thể điều chỉnh máy ấp phù hợp với nhu cầu từ 50-1.000 quả trứng/lần ấp, tỷ lệ nở 80%, trứng nở đồng loạt, con giống sạch bệnh.
Hơn 25 năm công tác, anh Hạnh đã có nhiều sáng kiến, như: Giải pháp cải tiến máy phát điện dùng xăng, dầu thành máy phát điện dùng nhiên liệu khí sinh học biogas từ chất thải chăn nuôi; nâng cao năng suất sinh sản cho lợn nái, chất lượng lợn thịt thương phẩm; giải pháp kỹ thuật điều chỉnh mùa vụ, vị trí ra hoa, đậu quả trên cây bưởi da xanh theo ý muốn.
Với những sáng kiến của mình, năm 2008 anh Phạm Hân Hạnh được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”; Trung ương Hội Nông dân tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2021.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!