Trang trại rộng hơn 5 ha với đa dạng loại cây, như: Cam, bưởi, ổi, thanh long, cà phê, sa nhân trù phú ở vùng đất còn nhiều khó khăn Chiềng Pha (Thuận Châu) của gia đình chị Hoàng Thị Thảo, sinh năm 1981, bản TĐC Quỳnh Thuận, đang là mô hình để nhiều hộ dân trong vùng học và làm theo, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.
Chị Hoàng Thị Thảo (đứng giữa) kiểm tra chất lượng thanh long ruột đỏ của HTX trước khi xuất khẩu.
Năm 2007, thực hiện di chuyển phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, gia đình chị Thảo chuyển từ bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) đến sinh sống tại bản TĐC Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu). Những ngày đầu, chị cũng như những người dân di cư gặp không ít khó khăn. Gia đình chị Thảo được chia đất sản xuất đã có sẵn cây cà phê, nhưng thời tiết khắc nghiệt, cây cà phê thường bị sương muối, việc tìm cây trồng mới đã thôi thúc chị tìm hiểu, học hỏi. Năm 2015, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, với ý chí vượt khó vươn lên, chị Thảo đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tiến hành cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây ăn quả vào trồng thay thế.
Nói về cơ duyên với cây ăn quả, chị Thảo chia sẻ: Năm 2015, trong một lần đến thăm quan mô hình trồng cam ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn), nhìn thấy những vườn cam sai trĩu quả khiến tôi hạ quyết tâm đưa loại cây này về trồng trên đồi nương của gia đình, tôi đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và mua cây giống về trồng. Sau 3 năm dày công chăm sóc, 5.000 gốc cam giờ đã cho thu hoạch, không dừng ở đó, gia đình tôi trồng thêm các loại cây bưởi, ổi, thanh long... Hằng năm, gia đình thu lợi khoảng 400 triệu đồng.
Chị Thảo còn được biết đến là một trong những người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại bản Quỳnh Thuận. Với bản tính cần cù, siêng năng, không ngại khó, chị đã tự tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc cho cây thanh long, từ việc phòng, chống sâu bệnh đến ủ phân bằng men vi sinh. Hiện, gia đình chị có 700 gốc thanh long ruột đỏ phát triển tốt. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Thảo còn giúp 22 hội viên phụ nữ trong bản cùng trồng thanh long ruột đỏ, nâng tổng số diện tích thanh long ruột đỏ của bản lên hơn 20 ha, nhờ đó nhiều chị em vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Đặc biệt, năm 2020, chị Thảo đã cùng với một số gia đình trồng cây ăn quả ở bản thành lập HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận và chị được tín nhiệm làm Giám đốc HTX. Mặc dù mới thành lập, nhưng HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận đã tạo dấu ấn lớn khi giữa năm 2020, HTX đã xuất khẩu 2 tấn quả thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, mặc dù sản lượng còn ít, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng và là niềm động viên to lớn để các các thành viên HTX tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả, hướng tới mục tiêu xuất khẩu thanh long ruột đỏ số lượng lớn hơn vào các năm tiếp theo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, gia đình chị Thảo còn sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cho vườn cam và cà phê, giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công, rút ngắn thời gian bón phân cho cây và tiết kiệm nước tưới. Bên cạnh đó, chị ưu tiên dùng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để sử dụng cho cây nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ mô hình cây ăn quả tổng hợp của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương với mức công từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Những thành quả của chị Hoàng Thị Thảo có được là sự cần cù, chịu khó, biết tận dụng tốt các thế mạnh, tiềm năng của địa phương, cùng với ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng trân trọng là chị Thảo không chỉ làm giàu cho gia đình mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên phụ nữ và các hộ khó khăn trong bản cùng vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!