Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi lợn đúng kỹ thuật và đầu tư cây trồng trên đất dốc, nông dân Cà Văn Biển tại Bản Lọng Mến, Xã Chiềng Pấc (Thuận Châu) đã thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm, trở thành nông dân sản xuất giỏi của huyện.
Ông Cà Văn Biển chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Theo ông đi thăm mô hình phát triển kinh tế, ông chia sẻ: Trước đây gia đình đông nhân khẩu, nguồn thu chủ yếu từ hơn 1.000 m2 ruộng và nương ngô, nương sắn. Nguồn thu không đủ trang trải cuộc sống. Nhận thấy cần phải đầu tư phát triển kinh tế để thay đổi cuộc sống gia đình, tôi đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất. Năm 2009, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô gần 100 m2, với 9 ô chuồng, chủ yếu là nuôi lợn thương phẩm. Sau đó, tôi tiếp tục nuôi thêm lợn nái để gây giống và bán ra ngoài; đầu tư xây hầm chứa biogas để tận dụng làm khí đốt phục vụ sinh hoạt trong gia đình, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường và khống chế các mầm bệnh cho đàn lợn. Mặc dù giá lợn bấp bênh, có lúc xuống thấp, nhưng tôi vẫn kiên trì, lựa chọn giống tốt mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa lợn thịt. Mỗi đợt khoảng hơn 1 tấn. Đồng thời, cung cấp 100 con lợn giống mỗi năm cho bà con vùng lân cận.
Để chăn nuôi phát triển, gia đình ông Biển luôn thực hiện tốt công tác thú y, thường xuyên chăm sóc, tiêm vắc-xin phòng các bệnh cho đàn lợn. Đồng thời, thực hiện việc tẩy rửa chuồng trại thường xuyên. Khử trùng khu chăn nuôi 1 tuần 1 lần. Tránh việc để chuồng trại không đảm bảo an toàn, dễ gây ra các mầm bệnh cho đàn lợn. Lựa chọn nguồn thức ăn hợp lý, tận dụng nguồn nông sản sẵn có của gia đình, địa phương.
Với quy mô chăn nuôi hợp lý, đã giúp gia đình ông thu về mỗi năm khoảng 200 triệu đồng từ việc bán lợn thương phẩm và con giống cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, với việc tận dụng đất nông nghiệp và đất dốc gia đình ông đã trồng 6.000 m2 cây cà phê, thu về trên 30 triệu mỗi năm. Với những nỗ lực không ngừng, gia đình ông trở thành một trong những điển hình của huyện Thuận Châu trong phát triển kinh tế.
Đức Anh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!