Người giữ lửa đền Hang Miếng

“Từ một ngôi đền bằng tường tre, vách nứa, nền đất, mái lợp cỏ tranh, đến nay, ngôi đền được trùng tu, xây dựng khang trang…” đó là câu chuyện của Chủ tịch xã Quang Minh Lường Văn Nga kể về đóng góp của ông Quách Công Toàn trong việc bảo tồn, tôn tạo đền Hang Miếng. Câu chuyện đã thôi thúc chúng tôi tìm đến bản Nà Bai, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ.

 

Ông Quách Công Toàn giới thiệu với khách về di tích lịch sử văn hóa.

Như đã hẹn trước, đúng 6 giờ sáng, Chủ tịch xã đã có mặt để dẫn đường đưa chúng tôi tới đền Hang Miếng. Ông nói: Từ đây để đến đền Hang Miếng có 2 đường, một là đi bằng đường thủy từ cảng Thung Nai (Hòa Bình) chạy ngược sông Đà theo hướng thủy điện Sơn La khoảng 50 km là đến di tích và đường bộ từ trung tâm huyện đi qua các xã Mường Khoa, Tô Múa.

Xuất phát từ trung tâm xã Quang Minh, mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy qua dốc “chuồng bò”, dốc ba tầng... chúng tôi đã tới bản Nà Bai nơi có đền Hang Miếng. Ngôi đền được xây dựng khá khang trang gồm 3 gian, tường xây bằng gạch chỉ, mái đền lợp tôn, thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt hình chữ đinh. Đền nằm bên bờ phải sông Đà, tọa lạc trên ngọn núi “Đầu rồng”, đây là một dải núi đất được nhô ra phía sông, không gian thoáng mát, trước mặt là sông Đà. Đứng từ trên sân đền, phóng tầm mắt có thể thấy những dãy núi xanh mờ ảo trong làn sương mờ buổi sớm, xa xa là những đảo lô nhô giữa sóng nước sông Đà.

Ở tuổi 83, bước đi chậm và phải cậy nhờ tới chiếc gậy, vận bộ quần áo màu nâu đất, với chất giọng trầm, thỉnh thoảng ngắt quãng do những cơn ho, ông Toàn dẫn dắt chúng tôi ngược dòng lịch sử với câu chuyện cảm động về sự tích đền Hang Miếng. Ông kể: Vào cuối mùa xuân năm 1431, sau khi dẹp xong giặc Đèo Cát Hãn ở Lai Châu, Lê Lợi cùng đoàn quân sĩ xuôi thuyền dọc sông Đà để trở về kinh đô Đông Kinh nhưng khi đến khúc sông ở Hang Miếng thì gặp trời mưa to, gió lớn, nước lũ dâng cao không thể đi tiếp. Nhà vua bèn cho quân sĩ dừng lại và nghỉ ở Hang Miếng chờ nước rút rồi mới tiếp tục hành trình. Nhưng mỗi ngày trời một mưa to, nước chảy cuồn cuộn, quân lương cạn kiệt, biết vua và quân sĩ gặp nạn, bà Đinh Thị Vân (người dân tộc Mường) đã vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực, cùng mọi người dũng cảm chèo thuyền vượt thác, ghềnh để đem lương thảo đến tiếp tế cho nhà vua và quân sĩ. Sau nhiều chuyến vận chuyển lương thảo thành công, đến chuyến cuối, giông bão nổi ẩm ầm, thuyền của bà chở đầy lương thực chòng chành đã bị đắm ở khúc sông thuộc địa phận Hang Miếng, xác của bà đã trôi dạt vào vùng Thác Bờ. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao to lớn của bà, cuối năm 1431, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ bà ở Hang Miếng. Dân gian thường gọi là đền Hang Miếng. Đền được coi là một chi nhánh của Đền Thác Bà ở Thung Lai (Hòa Bình).

Giai thoại về Đền Hang Miếng qua giọng kể của ông cho chúng tôi hiểu khá đầy đủ về nguồn gốc ngôi đền. Vốn là “kiến trúc sư” bất đắc dĩ của ngôi đền nên ông tường tận từng chi tiết, ông giới thiệu: Trước đây đền được xây dựng kiên cố ở mốc thấp so với mực nước lòng hồ sông Đà, sau khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành thì Hang Miếng và ngôi đền cũ đã bị ngập. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, ngôi đền được chuyển lên mỏm đồi cao về phía Tây (cách đền cũ 150 m) gần chợ phiên Hang Miếng. Lúc này, đền do một số người dân trong xã trông nom, bảo vệ. Năm 1993, tôi được UBND xã Quang Minh cho phép quản lý, trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Theo lời kể của ông thì giai đoạn đầu rất khó khăn, chỉ có gia đình ông ở lại khu này, đường đi lại chỉ là lối mòn không có đường ô tô, không có điện, nước, Nhà đền chỉ là một túp lều tranh nhỏ, thiếu đồ thờ phụng, ông phải đi xin và mua được 4 quả chuông to và 4 quả chuông nhỏ nhưng nhà đền lúc này mới chỉ là nhà lá đơn sơ bị kẻ trộm lấy đi hết số chuông... Để xây đền, ông huy động vợ con đi khuân từng viên gạch, xẻ từng tấm ván, gánh nước từ dưới sông trộn vữa, bốc nhặt từng viên sỏi từ suối Nhạp, suối Sìn Vìn hàng tháng trời. Cứ sửa đi, sửa lại 5 lần, 7 lượt nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tâm linh của khách thập phương nên ông đã bán cả trâu, bò tài sản lớn nhất của gia đình và đi quyên góp khắp nơi, được bạn bè anh em và du khách thập phương giúp đỡ, đặc biệt, được ông Quách Công Nhật, chủ nhang Đền Chúa Thác Bờ động viên về tinh thần và vật chất nên ông đã trùng tu, sửa sang ngôi đền như hiện nay.

Nhận xét về chủ nhang đền Hang Miếng, ông Lường Văn Nga, cho biết: Ngôi đền được tu sửa, xây dựng khang trang như hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của ông Quách Công Toàn. Khi xây dựng, tôn tạo ngôi đền, ông và gia đình đã góp tiền, ngày công lao động để tôn tạo. Năm 2016, đền Hang Miếng đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Lượng du khách đến đền Hang Miếng ngày càng tăng, góp phần phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương, đồng thời nêu cao truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần tô đẹp thêm diện mạo vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Tiếng lành đồn xa, ngôi đền ngày càng thu hút nhiều khách thập phương tới thăm quan, vãn cảnh. Hàng năm, tại đền tổ chức 4 lễ hội: Lễ tất niên, lễ đón giao thừa (thời khắc chuyển giữa năm cũ và năm mới), lễ ngày 7 tháng giêng (âm lịch) và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch), Lễ Quốc khánh 2/9. Trong đó, lễ vào ngày 7 tháng giêng (âm lịch) là lớn nhất trong năm. Tới đây, du khách không chỉ được “trảy hội - cầu may”, được hiểu thêm về những lễ thức của đồng bào Mường mà còn được du ngoạn đường thuỷ trên lòng hồ sông Đà và nhiều địa chỉ văn hóa hấp dẫn khác của tỉnh.

Câu chuyện với chủ nhang đền Hang Miếng khiến chúng tôi thầm cảm phục, ngưỡng mộ, việc làm của ông không vì danh, chẳng vì lợi, mà vì một điều thiêng liêng tốt đẹp, đó là lưu giữ di tích lịch sử văn hóa cho con, cháu. Với ông, ngôi đền không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là nơi gắn kết cộng đồng. Từ địa điểm Đền Hang Miếng có thể kết nối với các điểm du lịch nằm dọc theo hai bên sông Đà như: Khu di tích Di chỉ khảo cổ hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng (Vân Hồ); di tích lịch sử Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ (Mộc Châu), Đền Thác Bà (Hòa Bình). Trong số 56 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh được các cấp công nhận xếp hạng hiện nay, trong đó: 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 15 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, quốc gia đặc biệt. Đóng góp vào thành tích chung của tỉnh, có sự đóng góp không nhỏ cả tâm huyết và công sức của người cựu chiến binh Quách Công Toàn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới