Hơn 7 năm công tác trong ngành, anh Nguyễn Thanh Dũng đã là một trong những thợ giỏi của Điện lực Sốp Cộp, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần cầu tiến và tận tâm với nghề.
Anh Nguyễn Thanh Dũng kiểm tra trạm biến áp Chợ trung tâm huyện Sốp Cộp.
Năm 2010, tốt nghiệp Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, anh Dũng về công tác tại Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Sơn La. Với niềm say mê, lòng nhiệt huyết, anh luôn nỗ lực phấn đấu, tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tháng 6 năm 2013, anh được Ban Giám đốc bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Kỹ thuật vận hành của Điện lực Sốp Cộp. Trên cương vị mới, anh nắm chắc nhiệm vụ của đơn vị, quản lý và vận hành 188,9 km đường dây trung áp, 147,7 km đường dây hạ áp, 80 trạm biến áp và trên 8.400 khách hàng dùng điện. Đồng thời, sâu sát đôn đốc cán bộ, công nhân thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật vận hành đường dây, xử lý sự cố, duy tu bảo dưỡng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong công việc, anh luôn tự nghiên cứu đưa ra những sáng kiến áp dụng vào quy trình quản lý, vận hành, bảo đảm tiết kiệm được nguyên vật liệu trong thi công, giảm thất thoát điện năng, như: sáng kiến “sử dụng máy biến áp thu hồi tại kho Công ty có công suất lớn thay thế cho máy biến áp có công suất nhỏ hơn đang vận hành quá tải”. Trước tình trạng Trạm biến áp ở bản Phổng (Nậm Lạnh) và bản Dồm (Dồm Cang) đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2004, vào giờ cao điểm thường quá tải 21% - 31%, khiến các áp-tô-mát nhảy thường xuyên, điện áp cuối nguồn thấp không đảm bảo chất lượng nguồn điện phục vụ cho khách hàng. Khi áp dụng sáng kiến vào 2 trạm biến áp này đã đảm bảo vận hành tối ưu, an toàn thiết bị và lưới điện; nâng cao tuổi thọ máy móc thiết bị; tận dụng được vật tư thu hồi...
Với những đóng góp hiệu quả cho ngành điện lực, nhiều năm liền, anh Dũng đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp. Đối với anh, niềm vui lớn nhất là hằng ngày được cùng đồng nghiệp bảo đảm dòng điện được cung cấp đến từng bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!