“Trước đây, bà từng là nữ quân nhân tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Giờ tuy đã có tuổi, nhưng với suy nghĩ còn khỏe là còn cống hiến, bà Chiêm vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể của Hội người cao tuổi và hội Cựu chiến binh xã. Vì “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nên người dân nơi đây thường gọi bà là người có uy tín của bản”.
Bà Đinh Thị Chiêm (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với bà con dân bản.
Đó là lời của ông Đinh Công Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phù (Phù Yên) khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp bà Đinh Thị Chiêm - một trong 21 đại biểu đại diện cho tỉnh tham dự lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Đến trụ sở UBND xã liên hệ công tác đúng dịp hội Người cao tuổi tổ chức tổng kết cuối năm, chúng tôi may mắn gặp bà Chiêm tại đây. Sinh năm 1952, nhưng trông bà trẻ hơn nhiều so với tuổi bởi dáng người cao ráo, hoạt bát, hơn nữa trên khuôn mặt bà luôn nở nụ cười tươi, tạo cảm giác dễ gần với người đối diện, bà chia sẻ: Nhập ngũ năm 1968, khi mới tròn 16 tuổi, tôi về công tác tại tỉnh Hòa Bình. Sau 2 năm, tôi về tỉnh Điện Biên công tác tại Bệnh xá 61 thuộc Quân khu Tây Bắc. Đến cuối năm 1970, tôi trở về địa phương. Kể từ đó, tôi lập gia đình và nuôi 5 người con trưởng thành, hiện các con đều công tác trong các cơ quan nhà nước.
Tìm hiểu thêm được biết, những năm 90 của thế kỷ trước, bà hăng hái vận động các hộ gia đình trong bản, trong xã tham gia trồng cây thông, keo, bạch đàn, luồng, tếch... thuộc các dự án 747, 661 và 327... Nhận thấy những ưu điểm của kinh tế lâm nghiệp, bà vận động bà con trong bản trong xã nhận trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, trước mắt là để phủ xanh đất trống đồi trọc, về lâu dài là tạo sinh kế cho người dân. Những năm đó, người dân được nhận thanh toán sau một năm trồng là 1 triệu 700 nghìn đồng/ha, sau 2 năm chăm sóc, bà con được thanh toán thêm 300 nghìn đồng/ha. Nhờ vậy mà đến nay, khi rừng đến tuổi khai thác, một số hộ gia đình trồng với diện tích lớn đã thành những “triệu phú rừng”, những gia đình trồng ít hơn cũng trở nên khá giả hoặc chí ít là có tiền để trang trải cuộc sống, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Không chỉ vậy, bà còn luôn tích cực phối hợp với cấp ủy chi bộ và các đoàn thể ở khu dân cư tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh; thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, thực hiện quy ước, hương ước của bản, góp phần xây dựng bản làng bình yên, no ấm. Trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bản thân bà đã tích cực vận động người dân trong bản hiến đất, làm đường, đóng góp kinh phí, ngày công lao động... Gương mẫu đi đầu, gia đình bà đã hiến hơn 470 m2 đất sản xuất, góp phần cùng xã, bản làm mới đường giao thông nông thôn và nhiều hạng mục công trình khác. Đây cũng là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện Phù Yên.
Gần dân, hiểu dân, nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân để đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc trong dân - đó chính là những suy nghĩ và việc làm của những người có uy tín như bà Đinh Thị Chiêm.
Lò Thái
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!