Đó là lời tâm sự của Nghệ sĩ ưu tú Lò Đức Thọ, công tác tại Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La. 26 năm gắn bó với nghệ thuật múa, luôn đam mê cháy bỏng với nghề, anh là cánh chim đầu đàn để các thế hệ trẻ noi theo.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Chiên, tuổi thơ anh đắm mình trên sông nước Quỳnh Nhai. Cái duyên đến với nghề múa thật tình cờ. Được bạn bè giới thiệu và trúng tuyển vào lớp múa, năm 1996, anh theo học lớp trung cấp diễn viên múa tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sơn La. Ra trường năm 1998, Lò Đức Thọ công tác tại Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La từ đó đến nay.
Nhắc đến biên đạo Lò Đức Thọ, công chúng yêu nghệ thuật biết đến anh là một biên đạo múa xuất sắc với nhiều tác phẩm sáng tạo mang đậm nét văn hóa dân gian dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú... của vùng đất Sơn La qua nhiều chương trình nghệ thuật của Nhà hát, cũng như nhiều chương trình sự kiện lớn của tỉnh. Từ một diễn viên múa solit (múa chính), một biên đạo múa, cho đến Chi hội trưởng Chi hội múa Thành phố, Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, anh đã tạo được dấu ấn riêng trên con đường nghệ thuật của mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
NSƯT Lò Đức Thọ chia sẻ: Nghệ thuật múa cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo. Bản sắc độc đáo được thể hiện trong mỗi tác phẩm múa là sự kết nối từ tinh hoa dân tộc, khơi nguồn cảm xúc nằm sâu trong tâm hồn người nghệ sĩ. Là đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, chúng tôi làm việc với nhau trên tinh thần thoải mái, cùng nhau sáng tạo trong sự kết hợp ăn ý, tạo điểm nhấn, mang hơi thở chung.
Đối với anh, nghệ thuật múa phải luôn làm mới mẻ, tiếp thu những tinh hoa, xu hướng hiện đại từ các nước phát triển, kết hợp với văn hóa truyền thống bản địa thì mới có được những tác phẩm hay, đạt được nguồn cảm hứng từ bản thân cho đến người xem rung cảm được, từ đó tác phẩm múa mới có sức sống lâu bền. Để người xem hiểu được ngôn ngữ múa, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ hình thể là một thử thách đối với cả diễn viên và biên đạo. Anh đã dành nhiều thời gian để đi thực tế, về với các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu, cảm nhận văn hóa dân gian dân tộc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường của đồng bào vùng cao Sơn La. Từ đó, sáng tạo, khai thác những tác phẩm mang hơi thở miền núi, có nội dung, ý tưởng tốt, đặc tả bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Người xem được đắm chìm trong không gian bản làng vùng cao đậm bản sắc, cùng những câu chuyện tình yêu, những tích truyện hấp dẫn, kết cấu đẹp.
Mỗi tác phẩm NSƯT Lò Đức Thọ sáng tác là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật, phát triển phá cách trên tinh thần đảm bảo tính thời đại. Dựa trên những động tác múa cơ bản của các dân tộc địa phương được sử dụng rộng rãi trong các mùa lễ hội, hay những chuyến đi thực tế, anh đã sáng tác và phát triển để khái quát, vẽ lên bức tranh toàn cảnh thể hiện đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Nhiều tác phẩm múa anh biên đạo lôi cuốn người xem bởi sự sáng tạo, sắp xếp bố cục tạo hình, động tác múa phát triển logic, hài hòa. Điển hình như các tác phẩm: Nhịp điệu đêm trăng (múa dân tộc mường); Chênh vênh, Đêm xuân chợ tình (múa dân tộc Mông); Vũ điệu bản em (múa dân tộc Khơ Mú); Nậm tẩu, Sắc piêu (múa dân tộc Thái)...
Năm 2016, anh vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Với niềm đam mê, dù ở cương vị nào anh vẫn luôn hết mình với nghề, chỉn chu, cầu toàn với đứa con tinh thần của mình để cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!