Ngát thơm hương trầm Hà Vững

Đã gần 30 năm nay, trên thị trường có rất nhiều loại hương (nhang) khác nhau nhưng thương hiệu “Hương trầm đậu tàn Hà Vững” vẫn được nhiều người dân ở Thành phố biết đến và ưa dùng, bởi mùi hương thơm dịu, hương cháy đượm, cuộn đẹp và để có được những nén hương như vậy, phải có sự kỳ công, khéo léo từ bàn tay người thợ làm nghề.

Bà Lê Thị Hà cùng nhân công thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm hương trầm Hà Vững.

Đến cơ sở sản xuất hương Hà Vững, số nhà 209A, tổ 2, phường Tô Hiệu với mùi hương trầm nhẹ nhàng, thoang thoảng, tạo cho tôi có cảm giác yên bình, thư thái. Bà Lê Thị Hà, chủ cơ sở, chia sẻ: Quê gốc của tôi ở làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nơi đây có nghề làm hương truyền thống rất lâu đời. Bản thân tôi là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống làm hương. Năm 1992, cùng chồng lên thành phố Sơn La sinh sống, thấy người dân trên này chưa có ai làm hương, tôi quyết định chọn nghề của cha ông để lập nghiệp. Ban đầu sản xuất ra sản phẩm, chưa quen khách cũng gặp không ít khó khăn, vợ chồng tôi đến từng cửa hàng tạp hóa, các chợ đầu mối trên Thành phố để chào hàng. Qua sử dụng, thấy hương của gia đình tôi có mùi thơm thanh nhẹ, cuộn đẹp, lại không tẩm hóa chất nên dần dần, nhiều khách tin tưởng chọn dùng.

Bà Hà bảo: Từ đời cụ tôi đã truyền dạy cho con cháu, nghề làm hương phải có cái tâm, tâm trong thì thương hiệu gia truyền mới được tiếp nối bền vững cho thế hệ sau và tích phúc đức cho con cháu trong gia đình. Vì vậy, cho đến nay, gia đình tôi vẫn làm hương không sử dụng hóa chất mà có nguồn gốc hoàn toàn bằng thảo mộc, an toàn cho sức khoẻ của người sử dụng. Trong đó, có chục loại thảo mộc và vị thuốc bắc như: hoa ngâu, tùng, quế chi, thảo quả, thau, trám... và không thể thiếu trầm nhập từ các cơ sở có uy tín của tỉnh Quảng Nam, Yên Bái... Tất cả các nguyên liệu được đem xay nhỏ thành bột rồi cho keo vào pha trộn theo công thức bí truyền cho ra mùi hương đặc trưng. Để nén hương cong đẹp, tăm hương được làm từ những que tre bánh tẻ dài từ 32-45 cm, sau khi trộn bộn mới bắt đầu se hương, nén hương hoàn thiện được đem phơi trên những chiếc phên tre, trời nắng to thì phơi 1 ngày là khô, trời ít nắng thì lâu hơn từ hai đến ba ngày. Với mỗi mẻ hương trước khi đóng gói thành phẩm, tôi đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng. Sau đó, hương mới được đóng trong từng bó, tùy theo nhu cầu từng khách hàng với 6 loại: 10,15,20,30,50,100 nén. Chính sự chu đáo, tỉ mỉ trong từng công đoạn đã làm nên thương hiệu của “Hương trầm đậu tàn Hà Vững” trong nhiều năm qua, sản phẩm hương Hà Vững đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Qua câu chuyện với bà Hà, chúng tôi được biết thêm, trước đây, hầu hết các công đoạn sản xuất hương đều làm bằng tay, 1 ngày, cơ sở sản xuất của gia đình bà làm trong 10 tiếng mới được 7 nghìn nén hương, có những ngày giáp lễ, tết phải huy động nhân công làm cả đêm mới đủ hàng bán cho khách. Mấy năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình bà đã đầu tư máy xay, máy trộn bột và 7 máy làm hương, mỗi ngày sản xuất 20 nghìn nén hương/máy mà cây hương lại đều, đẹp. Trước đây, gia đình bà phải tận dụng từng mặt đường, con ngõ, sân thượng để phơi hương, từ khi sản xuất hương bằng máy, sản phẩm làm ra nhiều hơn, không có mặt bằng để phơi, bà Hà chuyển hẳn khâu sản xuất về quê nhà tại làng Cao Thôn, Hưng Yên (thuê 7 nhân công là con cháu trong gia đình làm). Còn tại cơ sở ở thành phố Sơn La chỉ chuyên đóng gói sản phẩm, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức công từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình bà xuất bán ra thị trường 6-7 triệu nén hương, không chỉ tiêu thụ ở các huyện, thành phố trong tỉnh, mà còn xuất bán đến cả các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái. Với việc sản xuất hương, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trả lương nhân công, gia đình bà thu lợi nhuận từ 200- 300 triệu đồng/năm.

Với tâm niệm sản xuất hương trầm thảo mộc, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy giá bán có đắt hơn so với nhiều loại hương bán trên thị trường, nhưng thương hiệu “Hương trầm đậu tàn Hà Vững” luôn có chỗ đứng vững chắc, không chỉ mang lại nguồn thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, mà còn lưu giữ được nghề truyền thống. Năm 2015, sản phẩm “Hương đậu tàn Hà Vững” đã vinh dự được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới