Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của ông Ích

Đến xã Mường Chùm (Mường La), hỏi thăm nhà ông Quàng Văn Ích, bản Nà Tòng, ai cũng biết. Nhờ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, gia đình ông Ích đang là chủ sở hữu đàn bò lên đến hơn 20 con, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

 

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Quàng Văn Ích cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khu chăn nuôi bò của gia đình ông Ích rộng chừng 200 m2, chia làm 2 dãy được lợp ngói fibrôximăng. Hiện tại, trong chuồng có 26 con bò. Lấy bó cỏ voi vừa cắt cho đàn bò ăn, ông Ích cho biết: Ngày trước, gia đình tôi chỉ nuôi 2 con trâu để làm sức kéo phục vụ sản xuất. Khi đó, gia đình có 6 ha ngô nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau mỗi vụ thu hoạch, trả nợ tiền mua giống, phân bón lãi được mấy triệu đồng, cuộc sống khó khăn.

Nhận thấy tại địa phương có nhiều cỏ mọc hoang, rơm rạ của người dân thu hoạch sau mỗi vụ lúa thừa thãi, đốt tại nương, hơn nữa, nhu cầu về bò thịt trên thị trường ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cấp hạn chế, ông đã đi vay tiền anh em họ hàng mua 5 con bò giống về nuôi nhốt chuồng. Hơn 1 năm sau, 5 con bò cái đã đẻ ra 5 con bê khỏe mạnh. Vừa nuôi bò sinh sản, ông vừa tìm mua những con bò gầy, bò hết khả năng cày kéo về nuôi nhốt, vỗ béo khoảng 2-3 tháng để bán ra thị trường, mỗi con lãi từ 3-5 triệu đồng. Ban đầu, nuôi với quy mô nhỏ, mỗi đợt từ 5 - 7 con, sau đó tăng dần. Để nuôi vỗ béo lấy thịt đạt hiệu quả cao, cần chọn những con không quá già, không mắc bệnh. Bò địa phương, bò đực tăng trọng nhanh hơn bò cái và chọn những con bò gầy, khung xương to sẽ cho hiệu quả cao hơn. Trước khi đưa vào vỗ béo, bò phải được tẩy ký sinh trùng. Thức ăn dùng vỗ béo bò gồm: các loại cỏ, ngô, cám gạo, bổ sung thêm khoáng. Trung bình 1 con bò trưởng thành, ông bán ra thị trường với giá hơn 12 triệu đồng/con. Bên cạnh đó, ông tận dụng phân chuồng để tái sản xuất và gom lại bán cho các nhà vườn trồng cây ăn quả ở huyện Mai Sơn và Thành phố.

Ông Ích cho biết: Mới đầu, vì chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên tôi thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho đàn bò với người quen ở huyện Mai Sơn, sau đó vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trong đó, việc lựa chọn con giống tốt và chế độ dinh dưỡng là hai yếu tố quyết định. Còn để bò chóng lớn, người nuôi phải kết hợp cho bò ăn thức ăn thô với thức ăn tinh theo tỷ lệ trọng lượng cơ thể và giai đoạn sinh trưởng của bò. Nhờ vậy, mà đàn bò gia đình tôi ít dịch bệnh và phát triển tốt.

Để có đầy đủ lượng thức ăn cho đàn bò, ông Ích đã tận dụng 6.000m2 đất nương trồng cỏ voi, tận dụng rơm rạ của nhiều hộ gia đình trong bản sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tích vào kho dự trữ cho đàn đại gia súc vào mùa đông. Khi bò trưởng thành, các lái buôn hoặc những người dân trong xã có đám cưới, đều gọi điện đặt hàng, hoặc đến tận trang trại của ông chọn những con bò ưng ý để mua. Chính vì vậy, mà đầu ra cho đàn bò luôn ổn định và được giá cao.

Bên cạnh việc phát triển đàn bò, hiện ông Ích còn đầu tư ghép cải tạo hơn 1 ha xoài địa phương. Bằng sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Quàng Văn Ích đã có thu nhập ổn định. Qua mô hình phát triển kinh tế của ông Quàng Văn Ích, điều khẳng định là: Biết phát huy đúng lợi thế, vùng đất cằn cỗi nào cũng không thiếu cơ hội để làm giàu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới