Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, chúng tôi tới bản Chiềng Phú gặp chị Đào Thị Hương là một trong những hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình.
Chị Đào Thị Hương chăm sóc vườn rau.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, chị Hương kể: Trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn, với hơn 3.000 m² đất canh tác chủ yếu trồng lúa, ngô phục vụ sinh hoạt của gia đình và chăn nuôi. Năm 2015, gia đình tôi chuyển sang trồng rau màu, tận dụng nguồn nước dồi dào để trồng luân phiên các loại cây màu quanh năm, không cho đất nghỉ; từ tháng 3 đến tháng 10 trồng cà pháo, thời gian còn lại trong năm trồng rau bắp cải, cải ngọt, mướp đắng, cà chua... Tôi tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức, tham quan, học tập qua sách, báo về các mô hình trồng rau sạch để áp dụng trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế. Nhất là chú trọng nhu cầu của thị trường để trồng rau củ bảo đảm cho việc tiêu thụ thuận tiện và được giá cao hơn.
Theo chị Hương, khi trồng rau cần chú trọng khâu làm đất, tạo độ tơi xốp, làm sạch cỏ, hạn chế sâu bệnh hại rau. Chủ yếu dùng phân chuồng đã hoai mục kết hợp bón thúc thêm phân NPK, phân đạm để rau sinh trưởng tốt, không phun thuốc bảo vệ thực vật cho rau mà dùng thuốc sinh học để tạo ra sản phẩm sạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm rau của nhà chị được người tiêu dùng đánh giá cao, không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được vận chuyển về các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Dương...
Mỗi năm 3 vụ, trừ chi phí, gia đình chị Hương có thu nhập gần 100 triệu đồng từ rau màu. Không chỉ thành công từ trồng rau, chị Hương còn nuôi lợn, mỗi năm bán từ 8-10 tấn lợn hơi, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cần cù, chịu khó, ham học hỏi và áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả đã mang lại thu nhập cho gia đình chị Hương gần 200 triệu đồng mỗi năm, là mô hình điển hình để các hội viên nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm.
Hà Hòa
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!