Những năm gần đây, với lợi thế về địa hình và điều kiện thời tiết, cộng với sự ưu đãi về diện tích rừng phù hợp với việc nuôi ong nên nghề nuôi ong lấy mật ở tỉnh ta phát triển mạnh. Nhiều gia đình giàu lên nhờ biết đầu tư vào nuôi ong một cách khoa học.
Nói đến nghề nuôi ong không thể không nhắc đến ông Hồ Văn Sâm, Chủ tịch Hội nuôi ong tỉnh, bởi ông là người có công gây dựng nghề nuôi ong và phát triển thương hiệu “Mật ong Sơn La”. Ông Sâm chia sẻ: Hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, nghề nuôi ong chi phí thấp, cho thu nhập cao, nhưng cũng yêu cầu về quy trình kỹ thuật chặt chẽ, sự kiên trì, đầu tư thời gian, công sức mới mang lại hiệu quả.
Trao đổi thêm, được biết: ở tỉnh ta, điều kiện tự nhiên môi trường sinh thái, thời tiết khí hậu thuận lợi nguồn mật và phấn hoa phong phú đa dạng, hằng năm có tới 6 vụ mật và 3 vụ phấn. Tập đoàn ong giống thuần chủng khai thác được 7 loại sản phẩm có chất lượng cao trong môi trường sạch. Chính vì vậy, nghề nuôi ong đã có những bước nhảy vọt, tăng về số lượng và chất lượng, đàn ong giống Apit Meliphes được cải tạo nuôi thích nghi với điều kiện tự nhiên ở các địa phương trong tỉnh. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.500 hộ gia đình nuôi ong, tạo việc làm cho 3.000 lao động, tổng số đàn ong lên đến 70.000 đàn, trong đó gần 60.000 đàn ong ngoại và trên 10.000 đàn ong nội. Riêng năm 2015, sản lượng mật ong là 3.100 tấn, phấn hoa 360 tấn, sáp ong 60 tấn, tổng giá trị sản lượng hàng hóa đạt gần 200 tỷ đồng. Các sản phẩm từ ong rất đa dạng, như: mật ong phấn hoa, sáp ong, nọc ong, keo ong, ong chúa, sữa ong chúa, nhộng ong, ong thợ... Phong trào nuôi ong được phát triển rộng khắp, nhiều hộ gia đình đầu tư và nuôi ong theo quy mô lớn như: Ông Lê Quý Phương, Tiểu khu 64 Thị trấn Nông trường Mộc Châu nuôi 1.800 đàn/năm, mỗi năm thu 40 tấn mật, 6 tấn phấn hoa, doanh thu 4,420 tỷ đồng; ông Nguyễn Trọng Lành, Nghiệp đoàn ong Sơn La nuôi 1.500 đàn ong mật thu 23 tấn phấn hoa, doanh thu một năm gần 1 tỷ đồng, hay như gia đình ông Nguyễn Văn Hà, tổ 6 phường Chiềng Sinh, Thành phố nuôi 600 đàn mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng...
Thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu Mật ong Sơn La, Hội nuôi ong đã tập trung củng cố tổ chức hội, thành lập Trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ chăn nuôi ong thuộc hội, tổ chức kết nạp hội viên, thành lập các chi hội nuôi ong ở 11 huyện, thành phố; tổ chức đào tạo tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ đầu tư cho các hộ gia đình hội viên và nông dân, tuyên truyền tổ chức vận động tổ chức trang trại kinh tế ong hộ gia đình để phát triển mở rộng nghề nuôi ong trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tổ chức điều tra khảo sát về điều kiện tự nhiên môi trường sinh thái đặc điểm nở hoa tiết mật của các loại cây, trữ lượng nguồn mật phấn, chất lượng sản phẩm ong, xây dựng lịch trình mùa vụ sản xuất chăn nuôi ong để đầu tư và khai thác các loại sản phẩm ong hiệu quả.
Thời gian tới, Hội ngành nghề NNNT tỉnh tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất, nuôi ong hộ gia đình; xây dựng Dự án phát triển mở rộng nghề nuôi ong trong tỉnh, phấn đấu đưa tổng số đàn ong ngoại lên 80.000 đến 100.000 đàn, đưa tổng số đàn ong nội lên 15.000-20.000 đàn, sản lượng sản phẩm mật ong toàn tỉnh đạt 4.000-5.000 tấn. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm ong, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, xây dựng thương hiệu cho mật ong Sơn La ngày càng uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!