Khởi nghiệp từ... dế mèn!

Bằng tư duy mới, nghị lực và tâm huyết của tuổi trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, khởi nghiệp thành công trên quê hương. Chàng trai La Văn Quý (sinh năm 1994), dân tộc Thái, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai là một tấm gương như thế. Vượt qua mất mát mồ côi cả cha lẫn mẹ; khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống; quyết tâm, chịu khó, ham học hỏi, dần thành công từ nghề nuôi dế mèn, được mọi người gọi với cái tên thân thiện: Quý “dế”.

 

Anh La Văn Quý bên khu nuôi dế mèn.

 

Trại dế của La Văn Quý hiện nằm trong khu thực nghiệm của Trường Đại học Tây Bắc. Trong ngôi nhà vừa là nơi ở, vừa là nơi chế biến các sản phẩm từ dế, Quý chia sẻ với chúng tôi về hành trình khởi nghiệp. Tháng 6/2017, tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục chính trị của Trường Đại học Tây Bắc, Quý đã đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn nung nấu ý định tự lập. Qua thông tin trên internet, thấy dế mèn dễ nuôi, vốn đầu tư ít, lợi nhuận khá, địa phương chưa phát triển rộ mô hình nuôi dế... Vậy là Quý lên ý tưởng nuôi dế, dù vốn ban đầu chưa đến 1 triệu đồng, mua 5 khay trứng dế giống về nuôi thử ở ngay trong phòng trọ. May mắn, ngay từ lứa dế nuôi đầu tiên đã thu 20 kg dế thành phẩm, Quý rao bán trên facebook với giá 150.000 đồng/kg. Từ thành công ban đầu, Quý nghĩ ngay phải mở rộng quy mô, ngặt nỗi ít vốn. Thật may mắn, nhà trường đã tạo điều kiện cho thuê nhà trọ và chuồng nuôi lợn ở khu thực nghiệm với giá rẻ, Quý vay mượn đầu tư nuôi 20 ô dế, mua thêm 10 khay trứng giống. Bắt đầu nuôi nhiều thì Quý lại thất bại vì thiếu kinh nghiệm, dế chết gần hết. Nguyên nhân do điều kiện nhiệt độ ở chuồng lợn không thích hợp (dế chỉ ưa nóng), liều lượng cho dế ăn chưa đúng cách, không phù hợp từng thời kỳ sinh trưởng... Không nản, Quý xin nhà trường cho chuyển đàn dế về nhà kính, nơi có nhiệt độ phù hợp để dế sinh trưởng, phát triển. 

Bây giờ, La Văn Quý đã có mô hình nuôi dế trong khu nhà kính rộng hơn 300 m², với 20 ô, kê thành 2 hàng ngay ngắn, mỗi ô rộng hơn 1m². Cầm trên tay vài ngọn rau khoai lang thả xuống từng ô cho dế ăn, đàn dế đua nhau bò ra gặm nhấm. Quý bảo: Dế ăn rất khỏe, cho bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Nhưng em rút kinh nghiệm rồi, ngoài chú ý nhiệt độ, phải chú ý đến liều lượng và nguồn thức ăn của chúng. Thức ăn của dế gồm các loại rau bồ công anh, muống, khoai lang... thêm bột ngô trộn với cám. Thức ăn cho dế phải đảm bảo “3 sạch” (thức ăn sạch, nước uống sạch và vệ sinh chuồng trại sạch); thỉnh thoảng phun sương để tăng độ ẩm, tạo môi trường hoang dã cho dế trú ẩn tự nhiên. Dế nuôi phát triển nhanh vào mùa hè, những đàn dế đến chu kỳ đẻ trứng (khoảng 40 ngày) sẽ được chuyển đến chuồng riêng; đàn dế phát triển tốt thì cứ hơn 1 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi ô nuôi dế thu được 4-5 kg dế thương phẩm. Không chỉ nuôi dế, Quý còn sơ chế dế đông lạnh cung cấp cho các nhà hàng, quán ẩm thực ở các huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Yên Châu, Thành phố; cung cấp nguồn trứng giống, chia sẻ kỹ thuật cho nhiều hộ dân có nhu cầu nuôi dế trên địa bàn tỉnh. Hiện giờ, mỗi tháng Quý xuất bán hơn 100 kg dế thương phẩm và dế sơ chế đông lạnh với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; trứng dế giống 200 nghìn đồng/khay...

Không dừng lại, Quý bắt tay nghiên cứu chế biến các sản phẩm khô dế ăn liền, khẩu xén vị dế, mẳm dế, phồng tôm vị dế, bánh dế... đây là các sản phẩm từ dế được người tiêu dùng chú ý bởi gia vị mang đặc trưng vùng Tây Bắc với mắc khén, hom mu chưn, nước măng chua... Quý hào hứng: Ý tưởng, dự án “Phát triển các sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa, dựa trên ứng dụng công nghệ chế biến” của em thuyết trình tại cuộc thi “Ý tưởng, sáng tạo khởi nghiệp” trong thanh niên tỉnh Sơn La năm 2019 do Tỉnh Đoàn tổ chức, được Ban tổ chức lựa chọn là 1 trong 5 dự án, ý tưởng sáng tạo có tính khả thi và nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng. Vui hơn nữa, ý tưởng lọt top 29 dự án tiêu biểu nhất tham gia chung kết toàn quốc cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 do Ban Thanh niên nông thôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn tổ chức. Em tiết lộ nhé, một doanh nhân ở Hà Nội đã tặng em tủ sấy, cam kết làm nhà phân phối sản phẩm... vui lắm!

Nói về dự định, Quý bảo sẽ tập trung mở rộng mô hình, nhất là tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai; nghiên cứu hình thành chuỗi sản xuất chế biến dế sạch, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương, vừa đưa sản phẩm đến với các thị trường lớn hơn. Để giúp chúng em thuận lợi hơn trong khởi nghiệp, rất mong các cấp, các ngành có định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ cơ sở vật chất, liên kết tìm kiếm thị trường...

Khởi nghiệp từ ý chí, dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, lựa chọn mô hình phù hợp năng lực, trình độ và thị trường tiêu thụ sản phẩm... chàng thanh niên 9X La Văn Quý là một trong những người mở ra hướng đi đúng trong phát triển kinh tế; động viên, thúc đẩy thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công ngay trên chính quê hương mình.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới