Khởi nghiệp từ đam mê trang phục truyền thống

Chị Hà Thị Chấn, tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) khởi nghiệp thành công từ cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông, có thu nhập ổn định và góp phần phát huy bản sắc, giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông Hà Chấn, tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).

Là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, ngay từ nhỏ chị Chấn đã yêu thích trang phục dân tộc độc đáo của đồng bào mình, học mẹ tự tay dệt vải, thêu thùa, may váy, áo. Chị Chấn chia sẻ: Người dân tộc chúng tôi quan niệm con gái phải biết may vá, thêu thùa thì mới lấy được chồng, nên từ khi 9-10 tuổi, tôi đã tập thêu tay và may váy. Trước đây, không có phấn, để có những họa tiết trên váy, áo, đai lưng thì dùng một thanh thép nhỏ có đầu nhọn, nhúng vào bát đựng nến đã tan chảy rồi vẽ lên vải lanh nhuộm chàm. Vẽ các hoa văn này đòi hỏi phải thẳng hàng, họa tiết đều nhau. Để vẽ được các họa tiết đẹp, thời gian rảnh trong ngày, tôi lấy que tập vẽ trên nền đất, lâu dần thành kỹ năng nên vẽ đẹp hơn.

Năm 18 tuổi, chị Chấn theo các tiểu thương mang các sản phẩm truyền thống của dân tộc đến một số địa phương giới thiệu, đồng thời, tìm hiểu thêm những sản phẩm truyền thống đặc trưng nét văn hóa tương đồng của đồng bào dân tộc Mông rồi tự sáng tạo, may các mẫu váy, áo để mặc. Sau những chuyến đi đó, chị đã chọn Sơn La để lập nghiệp. Năm 2014, chị Chấn mở cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông tại tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn). Ban đầu, gia đình chị chỉ bán các mặt hàng may sẵn, sau đó nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, chị chọn mua những mẫu vải tốt để may những bộ trang phục dân tộc đẹp, phù hợp với thẩm mỹ và giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Cơ sở của chị Chấn sản xuất đa dạng các loại trang phục dân tộc, từ trang phục hằng ngày đến trang phục váy, áo lễ hội truyền thống cho mọi lứa tuổi, kèm theo những phụ kiện của trang phục người Mông như đai lưng, mũ, bó chân... Chị Chấn là người trực tiếp thiết kế mẫu vải thổ cẩm, rồi gửi mẫu đến các cơ sở thêu máy, in ấn, sau đó đem về gia công. Chia sẻ với chúng tôi về việc sáng tạo những bộ trang phục truyền thống, chị Chấn nói: Ở Sơn La, đặc điểm về nét văn hóa trang phục của 4 ngành Mông Trắng, Mông Đen, Mông Xanh và Mông Hoa có sự khác biệt, tôi đã tìm hiểu đặc trưng trang phục của từng ngành và phối hợp lại, tạo ra sản phẩm mới. Ví dụ, người Mông Hoa thường mặc váy xòe rộng, nhiều nếp gấp, giập ly tạo độ xòe, che khuyết điểm của vòng 3 rất tốt, nên tôi chọn kết hợp với những chiếc áo thổ cẩm cách điệu cổ cao 3 phân, có màu sắc tươi sáng như đỏ, xanh, vàng của đồng bào dân tộc Mông Đỏ, thiết kế vừa người, trang trí thêm các chuỗi hạt cườm nhiều màu hoặc những bông hoa làm điểm nhấn. Những mẫu váy này rất được các bạn trẻ yêu thích.

Cũng theo chị Chấn, để tạo ra các sản phẩm may mặc hàng thổ cẩm dân tộc Mông, không còn khó khăn và tốn nhiều thời gian như trước đây, nhưng để làm ra nhiều sản phẩm cùng lúc với giá thành rẻ và ổn định thì phải có sự hỗ trợ của máy móc. Chính vì thế, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, chị Chấn đã đầu tư 250 triệu đồng mua máy dập ly, máy khâu chuyên dụng. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất và bán ra thị trường từ 150 - 200 chiếc váy, áo, với giá bán từ 40-50 nghìn đồng/chiếc. Còn với các bộ trang phục truyền thống, cầu kỳ hơn thì trung bình 1 ngày sản xuất từ 5-7 bộ, giá bán từ 400-600 nghìn đồng/bộ. Các sản phẩm tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu. Lợi nhuận trung bình khoảng 400 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Niềm đam mê sáng tạo cùng sự cần cù, chịu khó đã giúp chị Hà Thị Chấn khởi nghiệp thành công với cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông, đồng thời khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới