Gặp gỡ “Nông dân Việt Nam xuất sắc” dân tộc Mông

Ông Sồng A Mang, ở bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Với ý chí vươn lên làm giàu và cần cù lao động, ông đã phát triển mô hình trồng cây sơn tra xen dong riềng, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

 

Ông Sồng A Mang (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2019.

 

Đến vùng cao Làng Chếu vào một ngày đầu tháng 5, những cơn mưa đầu mùa như khoác cho rừng sơn tra tấm áo màu xanh tươi mới sau những tháng mùa khô. Dừng chân ở bản Cáo A, hỏi thăm đường đến nhà ông Mang, ai cũng bảo: Nhà nào to nhất bản là nhà ông Mang đấy! Đã trạc tuổi ngũ tuần, ông Mang khiến tôi ấn tượng bởi khuôn mặt hiền hậu, dáng người nhỏ bé, hoạt bát và dễ gần. Thấy chúng tôi trầm trồ về ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình, ông Mang vui vẻ: Ngôi nhà này, gia đình tôi xây từ năm 2018, nhờ trồng cây sơn tra và cây dong riềng đấy.

 

Mời chúng tôi vào căn nhà có đầy đủ tiện nghi, pha trà mời khách, ông Mang kể: Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, lại đông con, dù bươn chải làm thuê, cuốc mướn khắp nơi, song vẫn không thoát khỏi cảnh túng thiếu, có những năm thiếu đói suốt 2 tháng ròng. Đến năm 2000, cán bộ khuyến nông huyện Bắc Yên lên bản vận động bà con chuyển đổi cây trồng, hướng dẫn cách ươm giống và trồng sơn tra. Khi ấy, tôi đã tiên phong chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cây sơn tra với hy vọng thoát nghèo. Sau 4 năm chăm bón, gần 2 ha sơn tra cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng. Có thu nhập, tôi dần dần nâng diện tích trồng lên, đến nay, đã mở rộng gần 6 ha cây sơn tra, sản lượng bình quân hơn 25 tấn quả/năm. Các năm tới, khi toàn bộ cây sơn tra cho sản phẩm và mở rộng tán sẽ tăng sản lượng cao hơn nữa. Ông Mang say sưa nói thêm về cây sơn tra: Những năm gần đây, quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ quả sơn tra được thị trường ưa chuộng cũng như đem lại giá trị kinh tế. Ở huyện Bắc Yên, cây sơn tra được trồng tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng. So với vùng khác, sơn tra ở Làng Chếu quả nhỏ, khi chín có màu vàng, 2 má hồng, chua nhẹ, ít chát, thơm, ngon, cây càng lâu năm quả cho thu hoạch càng nhiều, quả sơn tra cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 thì hết mùa.

 

 

Ngôi nhà khang trang của ông Sồng A Mang.

 

Đưa chúng tôi thăm đồi sơn tra bạt ngàn, xen dưới tán cây sơn tra là cây dong riềng đang phát triển tốt. Vừa đi, ông Mang vừa nói: Năm 2011, tôi mang cây dong riềng về trồng thử dưới tán cây sơn tra, được nguồn thu nhập kép từ hai loại cây trồng này, tránh lãng phí đất. Vì vậy, tôi đã trồng hơn 4 ha dong riềng dưới tán cây sơn tra, sản lượng bình quân đạt gần 100 tấn/năm. Để nâng cao năng suất cây dong riềng, tôi còn trực tiếp xuống huyện Mộc Châu, học hỏi và tìm hiểu trên sách báo về đặc điểm của cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc để áp dụng vào trồng. Tuy nhiên, giá dong riềng tươi khá thấp, tìm hiểu thấy nhiều doanh nghiệp tại Sơn La và Hà Tây đến địa phương mua tinh bột dong riềng, nên tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh bột dong riềng.

 

Có dây chuyền chế biến, ngoài dong riềng của gia đình, ông Mang thu mua thêm dong riềng cho bà con trong vùng với giá cao hơn giá thị trường để chế biến. Riêng năm 2019, ông thu mua hơn 1.000 tấn củ dong riềng cho người dân. Trước đây, ông bán củ dong tươi chỉ được 2.000 đồng/kg, từ khi chế biến lấy tinh bột đã nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp 10 lần. Đến vụ thu hoạch, ông Mang còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương thu hoạch sơn tra và dong riềng với mức công 200.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, xưởng chế biến cũng thuê 10 người làm việc với mức tiền công 9 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian 4 tháng liên tục mỗi năm.

 

 

Vườn cây sơn tra của gia đình ông Sồng A Mang.

 

Ngoài thu nhập từ trồng sơn tra, dong riềng, ông Mang còn nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà vừa để bán, vừa phục nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Mang thu hơn 1 tỷ đồng. Thoát nghèo, có của ăn của để, ông vừa đầu tư 300 triệu đồng mua xe tải làm phương tiện thu mua tiêu thụ sơn tra cho bà con trong bản và một số xã lân cận để xuất bán cho các thương lái ở các tỉnh khác.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Hàng A Cang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Làng Chếu phấn khởi: Làng Chếu hiện có 360 ha cây sơn tra và được coi là cây trồng đa mục tiêu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ông Mang là một trong những người tiên phong cải tạo vườn tạp, trồng cây sơn tra ở đất Làng Chếu. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, ông đã trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Mang còn thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật và vốn cho nhiều hội viên nông dân trong xã để cùng vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Ông Mang thực sự là tấm gương sáng để bà con trong xã học tập.

 

Một trong những hộ được ông Mang tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sơn tra, ông Sồng A Su, bản Cáo A, xã Làng Chếu, chia sẻ: Trước đây, tôi cũng như các hộ dân trong bản đều làm nương, rẫy theo kiểu chọc lỗ tra hạt. Ông Mang đã chỉ cho bà con trong bản hướng vươn lên làm giàu từ cây sơn tra, gia đình tôi cũng mạnh dạn làm theo. Nhờ được ông Mang tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nên gia đình đã có 5 ha sơn tra, hiện cây đã ra quả, cho thu hoạch, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

 

Ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu, nhiều năm liền, ông Mang được vinh danh Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền các cấp và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đặc biệt, năm 2019, ông vinh dự là một trong số 63 người được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” toàn quốc.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới