Cán bộ kiểm lâm có nhiều sáng kiến

Nhiệt tình, trách nhiệm là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tối tiếp xúc với chị Sa Thị Thanh Thủy (trong ảnh), Phó trưởng phòng Sử dụng đất và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hơn 5 năm qua, với nhiệm vụ được giao, chị luôn cùng với tập thể phòng làm tốt công tác tham mưu giúp lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

             

             

             

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Bắc (Hòa Bình), năm 1993, học xong THCS, Sa Thị Thanh Thủy theo học THPT dân tộc nội trú tại Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) và tiếp tục học đại học tại Trường Đại học lâm nghiệp. Năm 2001, ra trường về Sơn La công tác, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, năm 2016, chị về nhận nhiệm vụ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh và được giao phụ trách công tác xây dựng cơ bản lâm sinh. Được thực hiện nhiệm vụ theo đúng chuyên ngành đã học, chị đã phát huy năng lực, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở và Chi cục, bám sát định hướng chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng với tập thể phòng tích cực tham mưu công tác thẩm định, phê duyệt các hạng mục công trình lâm sinh; đôn đốc các đơn vị triển khai trồng rừng theo các chương trình dự án, chăm sóc, bảo vệ rừng  trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, thẩm định hồ sơ trồng bù rừng của các công trình thủy điện... Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; lập hồ sơ thuyết minh thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chị đã cùng tập thể phòng lập Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc tiểu số trồng, chăm sóc bảo vệ rừng tại 5 huyện nghèo; xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Dự án trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng trồng trong thời gian đầu tư xây dựng cơ bản tại xã Bản Lầm, Tông Lạnh và Chiềng Bôm (Thuận Châu).

             

Đặc biệt, hơn 5 năm công tác tại Chi cục Kiểm lâm, chị đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, phát triển rừng. Trong đó, năm 2015 thành lập nhóm sáng kiến “Xây dựng sổ tay hướng dẫn cơ bản lâm sinh”, đã giúp Chi cục thống nhất trong công tác quản lý xây dựng cơ bản lâm sinh, từ thiết kế, lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt đến khi bàn giao, quyết toán công trình hoàn thành và thanh lý rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh không thành rừng; tăng cường việc trao đổi thông tin, cập nhật văn bản chỉ đạo điều hành giữa các đơn vị, dự án cơ sở với các cơ quản lý nhà nước về lâm nghiệp và các đơn vị, dự án, tổ chức, cá nhân chủ động trong việc tổ chức thực hiện. Từ đó rút ngắn được thời gian xử lý các thủ tục hành chính, không gây lãng phí thời gian và chi phí cho các tổ chức, công dân. Năm 2016, thành lập nhóm sáng kiến “Hướng dẫn trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng phân tán trên địa bàn tỉnh Sơn La”, được áp dụng từ tháng 12/2016. Sáng kiến được triển khai trong năm 2017, toàn tỉnh đã trồng được trên 133.000 cây phân tán các loại và được chăm sóc, quản lý bảo vệ tốt, góp phần nâng cao độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Năm 2017, tiếp tục thành lập nhóm sáng kiến “Hướng dẫn trình tự nội dung lập thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế nuôi dưỡng rừng trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Sáng kiến đã áp dụng biện pháp tỉa thưa 20 ha rừng trồng tại bản Ít Cang, Nà Cang, xã Chiềng Bôm; 10 ha tại bản Nong Cốc A, xã Long Hẹ (Thuận Châu); 154 ha tại 6 bản xã Mường Và; 89 ha tại 3 bản của xã Mường Lạn (Sốp Cộp). Biện pháp tỉa thưa mật độ có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng rừng trồng, góp phần nâng cao sản lượng, cải thiện được chất lượng rừng trồng, tận thu lâm sản trung gian, đem lại hiệu quả kinh tế cho các chủ rừng, được người dân ủng hộ cao. Năm 2018, thành lập nhóm sáng kiến “Xây dựng hướng dẫn hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La”, giúp người trồng rừng có thể chủ động được nguồn giống, đất đai và phương thức trồng. Rừng sau khi trồng được Ban quản lý dự án tiến hành nghiệm thu và thanh toán 60% tiền nhân công và cây giống nếu đảm bảo tỷ lệ sống theo quy định. Năm 2019, thành lập nhóm sáng kiến “Xây dựng hướng dẫn trình tự các bước nghiệm thu rừng trồng thành rừng và bàn giao công trình trồng rừng hết thời gian xây dựng cơ bản lâm sinh thuộc các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh”, sáng kiến đã giúp cho các chủ đầu tư, đơn vị, dự án, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nắm được trình tự thủ tục nghiệm thu rừng trồng thành rừng và bàn giao công trình trồng rừng theo đúng quy định của pháp luật; giúp chính quyền các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý, giám sát được diện tích rừng trồng đã được bàn giao.

             

Chị Thủy chia sẻ: Để có những sáng kiến được áp dụng vào thực tế, cán bộ trong phòng phải thường xuyên đến các xã vùng sâu, vùng cao, như Ngọc Chiến, Nậm Giôn (Mường La); Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu); Mường Lèo, Mường Lạn (Sốp Cộp)... để khảo sát, kiểm tra công tác phát triển rừng, quản lý chất lượng cây giống và tham mưu cho đơn vị những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển rừng.

             

Với những nỗ lực, cố gắng, từ năm 2015-2019 chị luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen và các cấp, các ngành khen thưởng. 

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới