Trong chuyến công tác về xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai), chúng tôi gặp anh Lù Văn Đỉnh, Bí thư chi đoàn bản Xe. Là đảng viên trẻ, anh không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác Đoàn mà còn năng động phát triển kinh tế gia đình ở vùng sông nước thủy điện Sơn La.
Anh Lù Văn Đỉnh (người ngoài cùng bên phải) kiểm tra sự phát triển của cá lồng.
Với dáng người cao, làn da rám nắng gió vùng sông nước cùng giọng nói điềm tĩnh, khiến chúng tôi ấn tượng với anh thanh niên người dân tộc Thái. Xuống thăm diện tích nuôi cá lồng của gia đình anh Đỉnh, dọc đường, câu chuyện xoay quanh việc nuôi cá, bán cá của chúng tôi càng thêm rôm rả. Nằm ở bản di vén lòng hồ Thủy điện Sơn La từ năm 2007, nên sau khi đến nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh Đỉnh trở nên khó khăn hơn khi hầu hết diện tích đất sản xuất trước đây bị thu hẹp do nước ngập. Cuộc sống gia đình anh chỉ trông chờ hơn 5.000 m² đất còn lại để trồng ngô, sau đó làm chuồng trại chăn nuôi dê, lợn, gà nhưng chỉ đủ sinh hoạt hằng ngày. Để tăng thêm nguồn thu nhập, anh Đỉnh đã ra sông đánh bắt tôm, cá đem ra chợ bán, nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2012, anh tham gia lớp tập huấn nuôi thủy sản nước ngọt trong 3 tháng tại bản do Công ty cổ phần Thành Môn (Thành phố) tổ chức. Lớp học kết thúc, anh đã đầu tư 37 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để làm 6 lồng cá và tham gia HTX Chiềng Ơn. Để trang bị thêm kỹ thuật nuôi cá, anh Đỉnh còn tham gia lớp tập huấn nuôi thủy sản nước ngọt tại xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai). Những kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá tích lũy qua các lớp tập huấn được anh áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Năm đầu tiên, với 6 lồng cá, gia đình anh thu gần 70 triệu đồng. Đến nay, gia đình có 18 lồng cá, hằng năm bán gần 4 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu khoảng 40 triệu đồng/năm từ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ.
Anh Đỉnh chia sẻ: Được gia đình, bạn bè động viên, năm 2016, tôi thôi tham gia HTX Chiềng Ơn và vận động một số người dân trong bản thành lập HTX Thủy sản Trường Đỉnh. Hiện, HTX có 12 thành viên, do tôi là Giám đốc, quy mô sản xuất 96 lồng cá, sản lượng ước đạt 20 tấn/năm (trong đó 2 tấn cá giống và 18 tấn cá thương phẩm), chủ yếu là các loại cá: Trắm, trê lai, nheo... Thu nhập bình quân của thành viên đạt 40 triệu đồng/năm.
Nhận thấy nghề đánh bắt cá ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia, anh Đỉnh cùng người anh trai nhận đóng thuyền cho người dân có nhu cầu. Anh sử dụng vật liệu sắt để đóng thuyền, bảo đảm độ an toàn và bền, khi xuất bán còn bảo hành trong 1 năm, vì vậy có nhiều người đặt anh đóng thuyền. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, anh đã đóng được 118 chiếc thuyền, trọng tải từ 5 tạ đến 15 tấn. Từ các nguồn trên, gia đình anh Đỉnh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đỉnh còn là Bí thư chi đoàn nhiệt tình, trách nhiệm, đi đầu trong các hoạt động của Chi đoàn, của bản. Trong các buổi sinh hoạt Chi đoàn, anh Đỉnh cùng Ban Chấp hành chi đoàn tuyên truyền, vận động các đoàn viên tham gia phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, hành động vì môi trường; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vận động, hỗ trợ các đoàn viên phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng... Hiện, đã có 9 đoàn viên đang là thành viên của HTX Thủy sản Trường Đỉnh...
Năng động trong phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình, trách nhiệm trong vai trò Bí thư chi đoàn, anh Lù Văn Đỉnh là tấm gương sáng cho ĐVTN trong bản, trong xã học tập và làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!