Nhận xét về Bí thư Chi bộ bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) Vì Văn Khăm, đồng chí Vì Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng nói ngắn gọn: “Gần dân, sát dân, trách nhiệm, gương mẫu; đi đầu trong các phong trào của bản, được dân tin tưởng và làm theo”. Điều này khiến chúng tôi thêm háo hức về Pha Cúng để được gặp ông Khăm - Người có uy tín tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2017.
Bí thư chi bộ bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) Vì Văn Khăm (thứ ba từ phải sang)
hướng dẫn nhân dân trong bản chăm sóc nhãn ghép.
Nối từ quốc lộ 6, đoạn cuối xã Tú Nang (Yên Châu), trên quốc lộ 6C khoảng 10 km, chúng tôi về bản Pha Cúng. Khác với trước đây, tuyến đường này bây giờ được rải nhựa phẳng lỳ, không còn những “ổ gà, ổ voi” xóc nảy người như trước. Hai bên đường, trên các sườn đồi, dưới thung lũng là bạt ngàn màu vàng của hoa nhãn, hoa xoài đang kỳ nở rộ. Không mấy khó khăn, chúng tôi tìm được nhà của Bí thư Chi bộ bản Pha Cúng. Trong ngôi nhà sàn nhỏ treo nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành tặng ông Khăm, đặc biệt là bức ảnh chụp ông Khăm với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm 2017 được treo nơi trang trọng nhất. Ông Vì Văn Khăm dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, tóc bạc nhiều. Ngay lần đầu tiếp xúc đã cho chúng tôi cảm nhận về người bí thư chi bộ hết lòng với công việc chung. Bởi trong cuộc trò chuyện, ông Khăm say sưa nói về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để người dân trong bản bớt nghèo, bớt khổ, để Pha Cúng khởi sắc như những vùng quê khác.
Quê ở bản Hua Đán, xã Tú Nang, cuộc sống gia đình khó khăn vì bố mất sớm, thủa nhỏ cậu bé Khăm theo mẹ về sống ở bản Pha Cúng cùng gia đình mới của mẹ. Năm 1971, ông được tuyển chọn vào Trường Sư phạm vùng cao (tại xã Hua La, Thành phố Sơn La ngày nay), học chuyên ngành Sư phạm. Hơn 3 năm sau, thầy giáo trẻ Vì Văn Khăm được phân công về giảng dạy tại Trường cấp 1, xã Lóng Phiêng. 17 tuổi - độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết sức trẻ, thầy giáo Khăm tận tâm với sự nghiệp “trồng người”. 9 năm sau ông không đứng lớp dạy học mà đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đoàn xã Lóng Phiêng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 27 tuổi. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản Pha Cúng. Trên cương vị là Bí thư Đoàn xã, ông Khăm đã cùng với BCH Đoàn xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho các phong trào, các hoạt động đoàn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Nhớ lại thời gian đó, ông Khăm chia sẻ: Trước đây, bà con trong xã có thói quen thả rông gia súc, vì vậy các loại cây trồng trên nương luôn bị phá hoại. Với tập quán chăn nuôi này, gia súc dễ bị dịch bệnh, cây trồng không được thu hoạch, cứ đà này, cuộc sống của người dân sẽ không thoát được đói nghèo. Tôi cùng Ban Chi ủy và Ban Quản lý bản đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ để bà con thay đổi tập quán chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu các gia đình có đảng viên trong Chi bộ gương mẫu thực hiện trước. Riêng tôi, hằng ngày đến các gia đình kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng chuồng nuôi gia súc; thường xuyên đi kiểm tra các trục đường trong bản, phát hiện trường hợp nào vi phạm kịp thời nhắc nhở, nếu vẫn tái diễn sẽ thông báo lên loa truyền thanh của bản... Cứ vậy, việc nuôi nhốt gia súc đã trở thành thói quen, ở bản không còn gia đình nào vi phạm nữa. Ngoài ra, tôi còn vận động bà con đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản, để nhân dân có nơi hội họp, học tập cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ông Khăm tự hào: Pha Cúng là bản đầu tiên trong huyện có nhà văn hóa, là nơi sinh hoạt chung của bà con trong bản, các xã khác trong huyện đến tham quan, học tập, làm theo.
Là người dân tộc Xinh Mun, lại sống ở vùng quê còn nhiều gian khó, ông Khăm thấu hiểu những khó khăn trong bước đường phát triển của người dân nơi đây. Vì vậy, trong thời gian từ 1989-2015, trong vai trò Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lóng Phiêng, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện các khóa XV, XVI, XVII, XIX, đại biểu HĐND huyện, ông Khăm đã tham mưu cho huyện, cho xã có quyết sách phát triển kinh tế, xã hội phù hợp, góp phần để vùng quê Lóng Phiêng nói chung và Pha Cúng nói riêng từng bước khởi sắc.
Câu chuyện của chúng tôi phải dừng lại vì trong bản có mấy người đến hỏi ông Khăm kỹ thuật để xoài và nhãn đậu hoa hiệu quả nhất. Vậy là chúng tôi cùng lên vạt đồi trồng nhãn để được chứng kiến ông Khăm hướng dẫn bà con kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc”. Trên đường đi, câu chuyện luôn rôm rả về việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Bản Pha Cúng có 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Xinh Mun, Kinh. Bản có gần 500 ha đất sản xuất, trước đây chủ yếu là trồng ngô, sắn năng suất thấp, giá bán không ổn định, nên dù có cần cù, chăm chỉ cuộc sống cũng chưa khá lên được. Từng là cán bộ xã, được đi tham quan học hỏi ở nhiều nơi, ông Khăm bàn với các đảng viên trong chi bộ vận động bà con trong bản chuyển phần lớn diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và trồng xen canh cây bí đỏ, bí xanh để lấy “ngắn nuôi dài”. Để bà con tin tưởng làm theo, ông bắt tay vào cải tạo gần 2 ha vườn cây ăn quả lâu năm của gia đình bằng phương pháp ghép các giống mới, năng suất cao, trồng thêm cây mận hậu, cây xoài Đài Loan, mỗi vụ thu hoạch bình quân 7 tấn quả, trừ chi phí thu gần 100 triệu đồng. Học theo ông, hiện ở bản Pha Cúng có trên 200 ha trồng cây ăn quả, gồm: Nhãn ghép, xoài ghép, mận, bưởi diễn, bưởi da xanh... sản lượng trung bình hơn 300 tấn quả/ năm. Nhiều hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, như gia đình các anh: Trần Như Kiên, Nguyễn Đức Tình, Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Văn Tập... Anh Trần Như Kiên, bản Pha Cúng phấn khởi: Nhờ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc mà 5 năm trở lại đây gia đình tôi có thu nhập trên 4 tỷ đồng/năm, xây được nhà ở khang trang, mua được xe ô tô, có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Ở bản Pha Cúng bây giờ có 95% số hộ trồng cây ăn quả trên đất dốc. Nếu trời cho mưa thuận, gió hòa thì cuộc sống của người dân trong bản chẳng mấy mà khá giả.
Cũng qua trò chuyện với mấy người dân, chúng tôi thêm hiểu uy tín của người Bí thư Chi bộ bản đối với bà con nơi đây. Họ tin tưởng và làm theo ông không chỉ trong phát triển kinh tế, mà cả trong việc xây dựng đời sống văn hóa, từ việc tổ chức đám cưới, đám tang gọn nhẹ, tiết kiệm, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc; việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xung quanh nhà ở để phòng tránh dịch bệnh, như: Thu gom rác thải, đào hố rác gia đình; không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở.... Và nhất là, duy trì hoạt động hiệu quả của 12 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, vừa tham gia bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, vừa tăng thêm tình đoàn kết giữa các hộ dân trong bản... Người dân Pha Cúng luôn tin và làm theo ông Khăm, vì biết rằng, những việc ông làm đều xuất phát từ mong muốn họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tạm biệt bản Pha Cúng, chia tay ông Vì Văn Khăm, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người Bí thư Chi bộ, người có uy tín tiêu biểu dân tộc Xinh Mun nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của bản, của xã; dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế để làm gương cho bà con trong bản học tập và làm theo, với mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!