Được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, tôi tìm đến homestay đầu tiên tại tiểu khu Pa Khen của anh Hàng A Của. Đó là căn nhà sàn khang trang, sạch sẽ. Chủ nhà có dáng người thấp nhỏ, khuôn mặt khá già dặn so với tuổi 26.
Vợ chồng anh Hàng A Của chuẩn bị phòng nghỉ đón khách.
Sau khi làm quen, A Của cởi mở: Thấy tiềm năng du lịch của huyện Mộc Châu, cũng như tiểu khu Pa Khen, mình quyết định đi học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; thường xuyên vào mạng tìm kiếm các hình thức du lịch; đăng kí tham gia lớp tập huấn lưu trú do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức, rồi tìm đến một số hộ dân làm dịch vụ lưu trú gia đình tại huyện Vân Hồ...
Với 600 triệu đồng từ vốn tích góp và vay mượn bạn bè, Hàng A Của quyết định dựng một nhà sàn rộng hơn 150 m2 có khả năng đón cùng lúc 30 du khách nghỉ trọ. Để thu hút du khách, Hàng A Của tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông như: thu hoạch rau quả, thu hoạch mận, làm bánh dày, giã gạo, thêu trang phục truyền thống, chơi các trò chơi dân gian. Không chỉ vậy, du khách còn có thể tiếp cận, giao lưu và tham gia các chương trình văn nghệ do chính các thanh niên trong tiểu khu dàn dựng, biểu diễn. Dù mới đi vào hoạt động được 3 tháng, homestay của A Của ngày càng có nhiều khách lưu trú với giá 80.000 đồng/người/đêm.
Được biết Hàng A Của còn cùng anh trai Hàng A Vạng vận động 7 thanh niên trong tiểu khu tham gia đội văn nghệ, tập luyện những điệu múa khèn, những bài hát dân tộc, những bài ca về Sơn La, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại... Đồng thời, đưa hình ảnh và thông tin homestay của mình lên các trang web du lịch của huyện, kết nối với các công ty tour du lịch ở Hà Nội, nhằm thu hút du khách. Bây giờ, A Của và A Vạng đang học hỏi thêm kiến thức hướng dẫn du lịch, thuyết minh du lịch để có thể giới thiệu được các nét văn hóa độc đáo của địa phương. Hàng A Của thật thà: Trước đây gia đình sống phụ thuộc vào 400 gốc mận, được giá thì một vụ thu về khoảng 200 triệu đồng, nhưng vất vả và bấp bênh lắm. Chuyển sang làm dịch vụ homestay, không cần phải đi nương nhiều nữa mà thu nhập không kém đâu! Thời gian tới, tôi sẽ vừa làm vừa tích góp vốn, hoàn thiện homestay, cũng sẽ vận động bà con đồng bào Mông ở đây cùng làm để xây dựng tiểu khu Pa Khen trở thành làng du lịch văn hóa dân tộc Mông.
Cách làm du lịch của chàng thanh niên Hàng A Của đã góp phần giới thiệu, truyền thông, quảng bá nét đẹp thiên nhiên, văn hóa con người Mộc Châu, thu hút đông đảo du khách đến với cao nguyên này.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!