Trong chuyến công tác tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn), chúng tôi được gặp ông Lèo Văn Tươi, người được dân bản tin tưởng bầu làm trưởng bản Nà Mặn từ năm 2003 đến nay, vì ông là người nói được, làm được, gương mẫu, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc chung của bản.
Ông Lèo Văn Tươi, bản Nà Mặn, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Tươi kể nhiều về các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của bà con dân bản. Nà Mặn có 44 hộ dân, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cà phê. Cây cà phê đã được bà con trồng cách đây gần 20 năm. Người trồng trước hướng dẫn người trồng sau, cùng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật để mở rộng diện tích. Đến nay, toàn bản có 32 ha cây cà phê, năng suất bình quân đạt 12-15 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt gần 400 tấn. Nhờ trồng cà phê nên tỷ lệ hộ nghèo ở bản giảm nhanh, hiện Nà Mặn chỉ còn 4 hộ nghèo.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, hằng năm ông Tươi cùng Ban Quản lý bản họp bàn cùng bà con chỉnh sửa, bổ sung, thống nhất nội dung quy ước để đồng thuận thực hiện. Quan tâm thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; tăng cường các hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút bà con tham gia để gắn kết “tình bản, nghĩa mường”... Đặc biệt, tệ nạn ma túy không “xâm nhập” được vào bản, vì ý thức cảnh giác bảo vệ an ninh trật tự được dân bản để cao. 3 năm liên tục (2013-2015), Nà Mặn được công nhận bản văn hóa. Trong kết quả chung đó không thể thiếu vai trò của Trưởng bản Lèo Văn Tươi.
Cũng như các gia đình khác trong bản, năm 2000, gia đình ông Tươi đã chuyển đổi 1,5 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cà phê. Lúc đó không có vốn đầu tư sản xuất, ông vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mua giống, phân bón. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên gia đình đã trả hết nợ. Hằng năm, trung bình gia đình ông thu 4 tấn cà phê khô, trừ chi phí thu lãi 60 triệu đồng. Hiện nay, ông đang trồng xen cây bưởi da xanh, cây cam Vinh vào diện tích cà phê để tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, nếu đạt hiệu quả ông sẽ hướng dẫn bà con trong bản cùng làm. Gia đình ông còn trồng 2.000 m2 cây su su, vừa bán rau vừa bán quả. Vốn đầu tư và công chăm sóc cho cây trồng này không nhiều, nhưng mỗi năm cũng được thu 50 triệu đồng. Dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi 50 đàn ong tự nhiên của gia đình, ông Tươi khoe: Nuôi theo hình thức này ong tự tách đàn, không mất công chăm sóc. Đây toàn bộ là ong rừng do bà con bắt được bán lại cho gia đình nên chất lượng mật cao. Giá bán mật từ 250.000 - 300.000 đồng/lít, với sản lượng 300 lít mật/năm, thu hơn 80 triệu đồng.
Khi nói về ông Lèo Văn Tươi, bà con bản Nà Mặn trìu mến gọi ông là “trụ cột” của bản. Điều đó động viên ông Tươi luôn nỗ lực nhiều hơn trong các phong trào, hoạt động của bản, cũng như gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng với niềm tin yêu của bà con.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!