Hơn 1 năm trở về trước, khu vực ngã ba Huổi Hin, phường Quyết Thắng (Thành phố) có một nhóm chợ tự phát kéo dài hàng trăm mét trên đường Lê Đức Thọ. Ngày nào cũng vậy, cứ cuối giờ sáng, chiều, rất đông người bán, người mua. Mỹ quan đô thị, trật tự và an toàn giao thông ở khu vực này là vấn đề nhức nhối.
Ông Cầm Nam Vân thường xuyên ra chợ hỏi thăm
tình hình buôn bán và nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nhưng đó là chuyện trước đây. Bây giờ, không còn cảnh các sạp rau, củ bày bán ngay lề đường cũng như không còn cảnh người mua hàng vô tư đỗ xe giữa đường để mua hàng. Các tiểu thương đã di chuyển vào trong khu chợ mới dựng kiên cố rộng gần 700 m2, cạnh đường Lê Đức Thọ khoảng 50 m, với mái tôn che chắn, từng sạp hàng phân chia ngăn nắp, sạch sẽ, bà con quen gọi là chợ ngã ba Huổi Hin. Hỏi các tiểu thương ở đây mới biết, chợ được một người đàn ông đầu tư xây dựng trên phần đất của gia đình. Họ gọi người đàn ông đó là “ông chủ chợ”. Nhưng điều lạ là ông chủ này không thu phí kinh doanh mặt bằng mà chỉ nhận số tiền của tiểu thương đóng góp đủ để chi phí điện, nước, vệ sinh môi trường khu chợ.
Nghe chuyện khiến tôi tò mò muốn tìm gặp “ông chủ chợ” để tìm hiểu. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi đã gặp được ông. Ấn tượng đầu tiên là một người đàn ông với giọng nói sang sảng, dáng người nhanh nhẹn. Ông là Cầm Nam Vân, sinh năm 1957, tại xã Mường Chanh (Mai Sơn). Tiếp chuyện chúng tôi, ông Vân chậm rãi kể: Năm 2000, tôi thành lập Công ty xây dựng, mua lại gần 3.000 m2 đất của Công ty Dâu tằm tơ tại tổ 10, phường Quyết Thắng (Thành phố) để làm trụ sở công ty và xây dựng nhà hàng ăn uống. Khu vực này ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng cao. Bà con trong vùng thường hay mang hàng hóa, nông sản buôn bán dọc hai bên đường. Mỗi khi có Đội trật tự đi dẹp thì người bán hàng lại cuống cuồng thu dọn hàng hóa chạy vào trong. Hơn nữa, bán buôn ngoài lề đường rất nguy hiểm, đã có trường hợp bị tai nạn giao thông vì đứng ngay lòng đường mua bán. Nhà tôi ở ngay cạnh đường nên ngày nào cũng ám ảnh với tình trạng đó.
Vốn xuất thân từ quê nghèo nên ông thấu hiểu sự vất vả của người dân mưu sinh để kiếm tiền. Ông bàn với vợ tận dụng mảnh đất của gia đình dựng cái chợ nhỏ, để bà con có chỗ mua bán ổn định, không lấn chiếm vỉa hè. Được sự nhất trí của địa phương, sau hơn 1 năm khu chợ đi vào hoạt động, đến nay, có khoảng trên 40 tiểu thương vào buôn bán, chợ tuy nhỏ, nhưng có đầy đủ các loại hàng hóa từ hàng ăn sáng đến tất cả các loại rau, củ, quả, thịt, cá phục vụ nhu cầu của người mua. Ông bảo: Trước đây, trên nền chợ là dãy nhà cấp 4 được sử dụng làm văn phòng Công ty và là chỗ ăn ở của một số công nhân. Tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để dỡ bỏ nhà, san nền, lợp tôn và mắc điện, nước làm chợ.
Mỗi khi rảnh rỗi, ông Vân lại ra chợ trò chuyện, nhắc nhở bà con tiểu thương giữ gìn vệ sinh môi trường, không gây mất trật tự. Đi đến đâu, ông đều nhận được sự chào đón nhiệt tình của bà con. Từ ngày có chợ, các tiểu thương từ các xã, phường Chiềng Ngần, Chiềng Sinh và Quyết Thắng đã có chỗ buôn bán ổn định. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tốt hơn so với việc bán ở lề đường.
Chị Tòng Thị Hom, bản Sẳng, phường Chiềng Sinh (Thành phố) đã “chạy” chợ từ gần 10 năm nay thật thà: Ngày trước, tôi đi bán rong mớ rau, con cá đứng cả xuống lòng đường. Biết là vi phạm nhưng vì miếng cơm manh áo, với lại hồi đó ở đây cũng chưa có chợ cho chúng tôi buôn bán. Mỗi khi thấy lực lượng chức năng đến là lại thu hàng tháo chạy, có khi đổ hàng, mất cả vốn lẫn lãi. Hơn 1 năm nay, khi biết ông Vân mở chợ, tôi xin ông Vân được vào đây buôn bán. Từ khi vào chợ, nắng không tới mặt, mưa không ướt người, lời lại tăng hơn, lại không phải nơm nớp lo sợ khi lực lượng chức năng đi dẹp đường.
Còn bà Bùi Thị Tần, nhà ở tổ 10, phường Quyết Thắng, cho biết: Ngày trước, tôi ngồi ngay bên lề đường Lê Đức Thọ bán hàng, nhưng khi có chợ, tôi đã xin vào đây ngồi. Dù “ông chủ chợ” không thu tiền phí mặt bằng của người bán hàng, nhưng để phụ chi trả những khoản lặt vặt, mỗi ngày các tiểu thương chúng tôi đóng góp từ 5.000 đến 10.000 đồng để phụ ông trả chi phí điện, nước và vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng cho biết: Phường rất ghi nhận việc làm của gia đình ông Cầm Nam Vân, không những giúp nhiều người có chỗ mưu sinh, mà còn giúp địa phương xóa bỏ được chợ tự phát, giải tỏa hành lang, đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự và an toàn giao thông ở khu vực đường Lê Đức Thọ. Phường cũng có văn bản đề nghị Thành phố sớm quy hoạch chợ để giúp bà con thuận tiện trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa.
Từ ngày có chợ mới do ông Cầm Nam Vân đầu tư, bà con trong vùng đã có chỗ mua bán an toàn, ổn định. Bộ mặt phố phường ở khu vực này đã phong quang sạch đẹp, trật tự an toàn giao thông đảm bảo. Song ông Vân cũng hiểu giải pháp chợ tạm của mình chỉ là biện pháp trước mắt. Ông mong muốn: Về lâu về dài, hy vọng chính quyền có biện pháp di dời, xây dựng một ngôi chợ dành cho khu vực này khang trang hơn, đàng hoàng hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!