Trong chuyến công tác đến xã vùng cao Làng Chếu (Bắc Yên), chúng tôi được người dân kể cho nghe câu chuyện ấm áp tình người của ông Sồng A Su, dân tộc Mông ở bản Cáo A, không những làm kinh tế giỏi, mà còn tích cực giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn.
Ông Sồng A Su tặng cặp sách, đồ dùng học tập cho học sinh vượt khó tại Trường THCS Làng Chếu.
Quyết chí làm giàu
Là người làm kinh doanh, thời gian ông Sồng A Su có mặt ở nhà không nhiều, nhưng đã hẹn trước, nên dù bận rộn, ông vẫn dành thời gian cho chúng tôi. Đón khách trong một nhà nghỉ có cái tên dân dã “Nhà nghỉ của Pàng”, ở ngay trung tâm xã Tà Xùa, ông Su vui vẻ nói: Tên nhà nghỉ này được tôi đặt theo tên con trai. Tôi mới xây cách đây hơn một năm để phục vụ khách du lịch đến tham quan Tà Xùa. Hiện, nhà nghỉ này đang giao cho con trai quản lý, còn tôi vẫn có nhà ở xã Làng Chếu và thường xuyên đi lại 2 xã để thuận tiện cho việc kinh doanh.
Ông sinh năm 1961, theo lịch âm là năm Tân Sửu, trong một gia đình nghèo, đông con ở bản Cáo A, xã Làng Chếu. Năm Tân Sửu này, ông tròn 60 tuổi. Quyết tâm làm giàu của ông Su được nhen lên từ những năm tháng tuổi thơ gian khó, nhọc nhằn. Khi ông lên 5 tuổi, không có đất sản xuất, nên gia đình ông đến sống và làm thuê cho một người họ hàng xa ở xã Mường Bang (Phù Yên). Đến năm 10 tuổi, cha ông qua đời, cả gia đình lại trở về quê hương Làng Chếu sinh sống. Nhà đông anh em, lại là con trưởng, ông Su phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp mẹ nuôi các em, nên ông không biết chữ. Phải đến năm gần 20 tuổi, khi xã có lớp xóa mù chữ cho người dân vùng cao, ông mới biết đọc, biết viết. Nhờ biết chữ, ông đọc được nhiều tài liệu hướng dẫn việc canh tác các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao. Dù đi làm thuê, nhưng ông vẫn áp dụng những kiến thức đó vào thực tế sản xuất, nên năng suất trên khoảnh ruộng của ông làm luôn cao hơn những gia đình khác và được trả công cao hơn. Đến năm 25 tuổi, có kiến thức cùng với số tiền tiết kiệm, ông Su đã vay mượn thêm tiền của người thân trong gia đình để mua đất sản xuất.
Với 5 ha ruộng bậc thang tại bản Cáo A, nhờ có kiến thức, nên vụ lúa đầu tiên ông thu về hơn 15 tấn thóc. Sau vụ lúa, ông tiếp tục trồng thêm 3 ha ngô, mỗi vụ thu 9 tấn ngô hạt, một phần bán ra thị trường và để nuôi bò vỗ béo. Nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo cho thu nhập cao hơn, thời gian nuôi cũng ngắn, nên ông Su quyết định đầu tư nuôi bò theo hình thức này để tăng thu nhập. Trung bình một năm, gia đình ông nuôi 5 con bò vỗ béo, trừ chi phí thu lãi 40 triệu đồng.
Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, năm 2000, ông Su bắt đầu kinh doanh nông sản, chủ yếu là thu mua ngô của bà con trong vùng, rồi mang về các tỉnh miền xuôi bán. Mỗi năm ông thu mua khoảng 500 tấn ngô hạt, bán lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông nhận thấy, trong bản, trong xã bà con bán củ dong riềng giá chỉ có 1.500 đồng/kg, vì vậy, năm 2008, ông Su tìm hiểu kỹ thuật sản xuất và mua máy móc để chế biến tinh bột dong riềng và chuyển kinh doanh ngô sang làm nghề chế biến tinh bột dong riềng.
Dẫn chúng tôi thăm quan dây chuyền chế biến tinh bột dong riềng, ông Su bảo: Tôi đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng mua máy móc và xây dựng các bể chứa để chế biến tinh bột. Vụ sản xuất đầu tiên mua trên 500 tấn củ nguyên liệu, sản xuất được 60 tấn bột. Mang sản phẩm này đi chào hàng, được các doanh nghiệp đánh giá cao về độ mịn, độ sạch của sản phẩm. Năm nay, tôi đã thu mua gần 1.000 tấn, với giá 4.000-5.000 đồng/kg cho người dân và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, tổng thu nhập hàng năm của gia đình tôi đạt khoảng 1 tỷ đồng.
“Mạnh thường quân” của người nghèo
Xuân vùng cao thường vẫn lạnh, nhâm nhi chén chè nóng, ông Su tư lự: Trước đây, gia đình tôi cũng rất khó khăn, nên tôi luôn cảm thông và chia sẻ với các hộ nghèo. Ông cha ta thường nói, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì vậy tôi mong mình sẽ có thêm nhiều sức khỏe để làm kinh tế, có điều kiện hỗ trợ được nhiều bà con hơn nữa.
Sau bữa cơm trưa cùng gia đình ông Su, chúng tôi theo ông tới tặng quà tết cho một số hộ nghèo ở bản Cáo A. Năm nay, gia đình ông dành tặng 10 suất quà tết, mỗi suất gồm 2 kg gạo nếp để gói bánh chưng và hộp bánh, gói kẹo, hộp mứt, 1 túi muối. Ngoài ra, mỗi nhà còn được tặng thêm chăn ấm và áo rét mùa đông do ông Su vận động người thân trong gia đình và các doanh nghiệp cùng quyên góp. Nhận túi quà tết của ông Su vừa trao, bà Mùa Thị Sua xúc động: Gia đình tôi cảm ơn tình cảm của ông Su, phần quà giúp gia đình vơi bớt nỗi lo sắm Tết.
Chứng kiến những suất quà Tết được ông Su trao tận tay các hộ nghèo, giúp họ có thêm điều kiện vui Xuân, đón Tết, chúng tôi còn biết thêm thông tin, đầu năm 2020, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gia đình ông đã hỗ trợ trên 3 tạ gạo, 6 chăn ấm, 200 tấm proximăng cùng một số nhu yếu phẩm khác cho 5 hộ nghèo trong xã (tổng trị giá hơn 10 triệu đồng). Bên cạnh đó, hằng năm, ông Su còn dành khoảng 100 triệu đồng cho hàng chục hộ nghèo vay vốn không tính lãi để mua giống, phân bón phục vụ sản xuất, đến vụ thu hoạch thì trả bằng sản phẩm với mức giá tính theo giá thị trường. Bằng cách làm này, ông đã góp phần giúp các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Một mùa xuân mới đã về, mang thêm nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp, tin rằng tỷ phú vùng cao Sồng A Su “dám nghĩ, dám làm” sẽ xây dựng thành công những mô hình kinh tế hiệu quả, luôn là “hạt nhân” của phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, không ngừng trợ giúp cho các hộ nghèo, để mọi người cùng nhau vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương vùng cao Làng Chếu ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!