Đã nhiều lần nghe nhắc về người nông dân say mê trồng rừng, phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch có cơ ngơi trị giá cả chục tỷ đồng ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu), chúng tôi đã tìm về tận nơi gặp ông Bùi Văn Thiệp, người được bà con gọi là "lão nông chục tỷ đồng" dưới chân đèo Pha Đin.
Lên núi trồng rừng
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi vào đến bản Kiến Xương là những sườn đồi được bao phủ bởi hàng nghìn cây lát, nghiến vài chục năm tuổi, cùng vô số chủng loại cây ăn trái, bốn mùa xanh tốt, theo những người dân ở đây thì đấy là thành quả mấy chục năm miệt mài lao động của ông Bùi Văn Thiệp.
Đón khách trong ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi về ông Thiệp là dáng người rắn rỏi, nước da sạm màu nắng gió, niềm nở mời chúng tôi chén trà, ông bắt đầu câu chuyện: Tôi sinh năm 1962, ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái. Bố mẹ là thế hệ đầu tiên lên khai hoang ở Thuận Châu, gia đình có 8 anh em. Cũng như bao thanh niên thời đó, tôi lớn lên và xây dựng gia đình, chăm chỉ làm ăn nên dần có của ăn của để, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi là gia đình đầu tiên ở xã Phổng Lái làm được nhà xây.
Vườn cây ăn quả của ông Bùi Văn Thiệp ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái.
Rời bàn trà, ông đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi. Bước chân của người nông dân gần 60 tuổi vẫn nhanh thoăn thoắt. Chỉ tay về phía cách rừng, ông bảo: Ngày trước, toàn bộ khu vực này đều là rừng nguyên sinh, với những cây gỗ thẳng tắp, mấy người ôm mới vừa. Nhưng trải qua nhiều năm tháng, những cánh rừng đã bị chặt phá, khai thác cạn kiệt, có thời gian dài chỉ toàn là đồi trọc. Gắn bó với những cánh rừng từ thủa thơ ấu, tôi luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để những cánh rừng xanh trở lại.
Và cơ hội đã đến, năm 1996 Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân sinh sống ở gần rừng, ông đã nhận 18 ha để chăm sóc, bảo vệ. Để có tiền đầu tư trồng rừng, ông đã bán ngôi nhà xây ở trung tâm xã. Người nhà và bạn bè khuyên ngăn thế nào cũng không được, khi đó mọi người đều nói ông “khùng” vì bán đi cả cơ ngơi đáng mơ ước của bao người để đầu tư vào rừng, rồi biết đến khi nào mới thu lại được.
Bỏ ngoài tai tất cả mọi lời can ngăn, ông quyết làm theo ý mình, ngày ngày bỏ công phát dọn, khoanh vùng bảo vệ để cây tái sinh, đồng thời tranh thủ mọi cách xin cây giống về trồng. Sau 24 năm, ông đã trồng gần 1.000 cây nghiến, trên 1.300 cây lát, và hàng trăm cây tếch, bây giờ cây to nhất đường kính hơn 30 cm. Rừng của ông giờ thu hút rất nhiều người đến tham quan, có nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng ông chưa bán.
Tiếp tục theo chân ông Thiệp vào sâu khu rừng, vừa đi ông vừa kể lại thời kỳ gian nan khi mới bắt đầu trồng rừng. Thời đó, cả gia đình tôi đã đổ bao mồ hôi, công sức để lên đồi phát đốt cây dại, lau lách, đào hố đợi mưa để trồng cây. Không những thế, khi phát hiện những gốc gỗ quý, tôi đã chăm sóc để cho cây đâm chồi trở lại. Nhiều người thấy tôi vất vả với công việc trồng rừng nên nhỏ to “Không biết ông Thiệp có sống được đến ngày hưởng thành quả không mà lao tâm khổ tứ đến vậy”. Tôi vẫn quyết tâm trồng rừng, tôi tâm niệm, trồng rừng không thể "ăn xổi" được, mà trồng cho con cháu, cho tương lai, giữ lấy màu xanh cho núi đồi.
Ông Thiệp bên vườn bưởi diễn của gia đình.
Rừng cây ông Thiệp trồng giờ đây đã lên cao tràn sức sống, tận dụng diện tích dưới tán rừng, ông trồng thêm sa nhân, kết hợp trồng 3 ha cây ăn quả, gồm các loại: Hồng gòn, mận, bưởi da xanh, ổi… trung bình mỗi năm thu nhập từ cây ăn quả và sa nhân của gia đình ông lên đến vài trăm triệu đồng, những năm sa nhân được mùa, được giá thu nhập cả tỷ đồng.
Tiên phong làm du lịch
Không chỉ là tỷ phú rừng, ông Thiệp còn được biết đến là người tiên phong, mở ra hướng phát triển du lịch trên đèo Pha Đin. Ông đã đầu tư xây dựng khu du lịch Pha Đin top bên quốc lộ 6, thuộc địa phận bản Nà Ngụa (xã Phổng Lái), ở đây có độ cao trung bình hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nên không khí quanh năm trong lành, mát dịu.
Nói về cơ duyên với nghề làm du lịch, ông Thiệp, cho biết: Bắt đầu từ năm 2016, trong một lần đi du lịch Sa Pa, tôi thấy ở đó khí hậu mát mẻ không khác gì đèo Pha Đin, họ làm du lịch sinh thái rất tốt, rất đông khách. Trở về, tôi tìm hiểu về các loại hoa và lên tận Hà Giang mua hạt giống hoa tam giác mạch về ươm trồng. Mới đầu, tôi cũng chỉ gieo ít vì lo hoa không hợp khí hậu, thế nhưng hoa phát triển rất tốt, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Sau đó, tôi cải tạo dần khu vườn, vừa trồng hoa kết hợp trồng các loại cây cảnh để khu vườn thêm sinh động, người dân đã đặt cho vườn hoa của tôi cái tên rất thân mật “Vườn hoa ông Thiệp”.
"Cầu tình yêu" - điểm check in ưa thích của du khách khi đến với Pha Đin top.
Nhận thấy tiềm năng du lịch ở Pha Đin là rất lớn, sau khi tạo được dấu ấn với du khách từ “Vườn hoa ông Thiệp”, ông bàn bạc với gia đình và quyết định thành lập HTX du lịch Pha Đin, giao cho con trai là anh Bùi Ngọc Thắng làm giám đốc. Được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điệu kiện của huyện Thuận Châu, HTX đã đầu tư xây dựng khu du lịch Pha Đin top với quy mô gần 30 ha, gồm: Rừng sinh thái, vườn hoa, nhà nghỉ, dịch vụ nhà hàng... Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, đến nay Pha Đin top đã có tiếng và trở thành điểm đến của nhiều du khách gần xa.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu du lịch Pha Đin top, anh Bùi Ngọc Thắng, chia sẻ: Mặc dù quá trình đầu tư, xây dựng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, địa điểm xây dựng, thế nhưng với quyết tâm đánh thức tiềm năng du lịch ở nơi đây, chúng tôi đã kiên trì hiện thực hóa ý tưởng để có được khu du lịch quy mô như hiện tại. Tại đây, mỗi khu được xây dựng theo cách riêng đáp ứng nhu cầu của du khách. Khu rừng sinh thái, trồng các loại đào, mận, sơn tra… để du khách vừa tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn. Đối với khu vườn hoa, tùy từng thời điểm trồng các loại hoa khác nhau, thành từng khu riêng biệt với tạo hình độc đáo để du khách thỏa thích lưu giữ hình ảnh, những khoảnh khắc đẹp khi đến với Pha Đin top.
Ngoài phát triển du lịch, HTX du lịch Pha Đin đã liên kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn trồng 35 ha hồng giòn, bưởi da xanh, mận, đào, ổi... thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm và giúp nông dân tăng thêm thu nhập thông qua giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản ngay tại vườn cho du khách. Bên cạnh đó, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ HTX xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, để quảng bá tiềm năng, các sản phẩm đặc sản của Thuận Châu đến du khách.
Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, là người sinh ra, gắn bó và trưởng thành ở vùng đất Phổng Lái và được chứng kiến những năm tháng vất vả, gian nan của ông Thiệp, chia sẻ với chúng tôi: Ông Bùi Văn Thiệp là người nông dân dám nghĩ, dám làm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trên địa bàn trồng cây ăn quả, trồng rừng. Mặc dù có trong tay cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng, nhưng ông Thiệp vẫn sống giản dị, gần gũi với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.
Một ngày trọn vẹn tham quan mô hình kinh tế và những câu chuyện về "Lão nông chục tỷ đồng" Bùi Văn Thiệp, chúng tôi khâm phục cách nghĩ, cách làm và ý chí, nghị lực vươn lên của ông. Chia tay chúng tôi, ông hẹn dịp Quốc khánh 2/9 mời chúng tôi trở lại để lên Pha Đin top ngắm các loại hoa mùa nở rộ và thưởng thức những trái hồng giòn, ổi chính vụ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!