Mặc dù năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng du lịch Việt Nam đã vượt khó, bứt phá ngoạn mục, nhất là du lịch nội địa, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Mặc dù năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng du lịch Việt Nam đã vượt khó, bứt phá ngoạn mục |
Sự bứt phá ngoạn mục của du lịch nội địa
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2022, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt; trong đó khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Có được kết quả này là do năm 2022 toàn ngành đã nỗ lực xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch: Trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức Hội nghị thúc đẩy du lịch nước ngoài vào Việt Nam; Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm... Ngoài ra, trong năm qua, quản lý hoạt động lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch cũng được chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phục hồi sau gần 2 năm đóng băng. Năm 2022, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng đã thẩm định 1.091 hồ sơ cấp, đổi, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành (tăng 732 hồ sơ so với năm 2021). Cấp mới 838 giấy phép (tăng 645 giấy phép so với năm 2021), đổi 187 giấy phép, thu hồi 64 giấy phép, cấp lại 2 giấy phép.
Cả nước có 2.948 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021) trong đó có 1.024 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.839 công ty TNHH, 04 doanh nghiệp tư nhân và 1.302 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Đã ban hành 67 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch (tăng 26 quyết định so với năm 2021), trong đó có 18 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao (12 cơ sở công nhận mới, 6 cơ sở công nhận lại) và 49 quyết định công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao (24 cơ sở công nhận mới và 25 cơ sở công nhận lại). Cả nước có 35.000 cơ sở với khoảng 700.000 buồng, trong đó có 221 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 74.317 buồng và 340 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 45.702 buồng. Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở VHTTTTDL đã cấp mới 3.902 thẻ, đổi 593 thẻ, cấp lại 36 thẻ. Cả nước có 33.768 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 20.018 hướng dẫn viên quốc tế, 12.367 hướng dẫn viên nội địa, 1.383 hướng dẫn viên tại điểm.
Đặc biệt trong năm qua, tận dụng những lợi thế từ những sự kiện lớn của đất nước, chúng ta cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030…
Tận dụng lợi thế của công nghệ số, năm 2022, ở lĩnh vực du lịch cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Ban hành tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành Du lịch; phát triển, nâng cấp ứng dụng Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel, ứng dụng Quản trị và kinh doanh du lịch. Tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi để yêu!” với 02 ngôn ngữ tiếng Việt - tiếng Anh nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ VHTTDL. Truyền thông số về du lịch đã đóng góp đáng kể vào công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền hình ảnh đất nước, con người, văn hóa đặc sắc, cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam, được trao giải Nhì của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Ban hành tài liệu Thông tin du lịch hàng tháng và phát hành Thẻ du lịch. Website vietnam.travel xếp hạng 152.377 trên toàn cầu. Đây là bước tiến đột phá so với thời điểm cách đây 01 năm, khi xếp hạng của website vietnam.travel là 576.046. Mức tăng hạng của website vietnam.travel trong 01 năm qua là 423.669 bậc, cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore (tăng 65.861 bậc), Indonesia (tăng 59.158 bậc), Thái Lan (thậm chí giảm 8.095 bậc)....
Du lịch địa phương hồi sinh mạnh mẽ sau dịch
Sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch tại các địa phương năm 2022 đều ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch, nhất là sau thời điểm 15/3/2022 khi du lịch cả nước được mở cửa trở lại. Nổi bật là: Hà Nội ước đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021. TP. Hồ Chí Minh ước đạt 28,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021. Khánh Hòa ước đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 13.500 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với năm 2021. Lào Cai ước đón khoảng 4,4 triệu lượt khách, tăng gần 220% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 15.840 tỷ đồng, tăng 258% so với năm 2021.
Việt Nam đón một lượng khách ấn tượng năm 2022 |
Lâm Đồng ước đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bình Thuận ước đón khoảng 4,5 triệu lượt khách tăng 2,58 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch khoảng 10.626,4 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2021. Hà Giang ước đạt 2,2 triệu lượt khách (đạt 242% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 147% kế hoạch năm 2022), doanh thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng. Hải Phòng ước đón 7 triệu lượt khách, tăng 88,8 % so với cùng kỳ, (tăng 54,5% so với kế hoạch năm 2022), doanh thu ước đạt 6.300 tỷ, tăng 97,6% so với 2021. Thanh Hóa ước đón hơn 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, doanh thu ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Nghệ An ước đón 6,73 triệu lượt khách, bằng 356% so với năm 2021, doanh thu ước đạt 12.343 tỷ đồng. Lâm Đồng ước đạt 7 triệu lượt, tăng 3,4 lần so với năm 2021. Quảng Nam ước đạt 4,746 triệu lượt, tăng 13 lần so với năm 2021, doanh thu du lịch ước đạt 3.780 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2021. TP. Đà Nẵng ước đạt hơn 7,8 triệu lượt khách, tăng 3,2 lần so với năm 2021, doanh thu du lịch ước đạt 28.000 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2021. Ninh Thuận ước đạt 2,4 triệu lượt khách,doanh thu ước đạt khoảng 1.813 tỷ đồng (bằng 140,4% so năm 2021). Phú Yên ước đạt 2,2 triệu lượt khách, gấp 5,9 lần so với 2021, doanh thu du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, gấp 7,2 lần so với năm 2021. Bà Rịa-Vũng Tàu ước đạt 12,6 triệu lượt khách, đạt 396,27% kế hoạch năm 2022, tăng 282,09 % so năm 2021...
Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương tổ chức: Hà Nội tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”. TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. HCM lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022), Tuần lễ Du lịch TP. Hồ Chí Minh. Quảng Ninh tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á lần thứ 17. Hà Giang tổ chức Chương trình du lịch Qua miền di sản Việt Bắc. Hải Phòng tổ chức Liên hoan du lịch “Đồ Sơn - Sắc màu của biển” năm 2022. Điện Biên tổ chức Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào. Thanh Hóa công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa và phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022. Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội đạp xe vì du lịch và môi trường. TP. Đà Nẵng tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity; Lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022”. Quảng Trị tổ chức hội thảo “Bí ẩn Miền đất thiêng” và chương trình famtrip “Khám phá sản phẩm du lịch đêm”. Quảng Nam tổ chức Lễ khai mạc Festival “Cù Lao Chàm-mùa hoa ngô đồng đỏ”; Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022. Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021-2025. Phú Yên khai trương hai tuyến phố đi bộ phục vụ khách du lịch. Đồng Tháp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong phát triển du lịch”. An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL năm 2022; Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL năm 2022. Cần Thơ tổ chức “Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền - Cần Thơ” lần thứ IX, năm 2022. Long An tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ I năm 2022 “Long An - Khát vọng sông Vàm”. Bình Thuận tổ chức Hội chợ Du lịch trực tuyến Bình Thuận năm 2022 và công bố Chương trình kích cầu du lịch Bình Thuận năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chương trình “Dấu ấn hè 2022”. Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long...
Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2022, Việt Nam tiếp tục có nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch được vinh danh: Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu Travel + Leisure đề xuất Việt Nam là một trong 12 điểm đến tuyệt vời và có chi phí phải chăng phù hợp. Tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh - Wanderlust công bố Việt Nam là 1 trong 20 điểm đến hàng đầu cho dịp đầu năm mới. Mộc Châu nhận giải Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022 do World Travel Awards 2022 tổ chức.
Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đề xuất Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn có tuyết rơi ở châu Á, trong đó có Sa Pa. Phú Quốc trong top 25 hòn đảo tốt nhất thế giới do tạp chí Travel+Leisure công bố hàng năm, dựa trên sự đánh giá của độc giả về các trải nghiệm du lịch trên toàn thế giới. Khách sạn Azerai La Residence Huế được độc giả tạp chí Condé Nast Traveler bình chọn là đơn vị duy nhất của Việt Nam trong “Top 10 khách sạn hàng đầu Đông Nam Á”...
Phát huy những kết quả đã đạt được, bước sang năm 2023, Việt Nam phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!