Suối Tọ mùa hoa dã quỳ

Đầu tháng 12, khi những cơn gió mùa đông bắc mang hơi lạnh tràn về, cũng là lúc hoa dã quỳ - một loài hoa mọc hoang dã, nhưng lại có vẻ đẹp, sức cuốn hút lạ thường ở vùng cao Suối Tọ - bung nở vàng rực. Sau nhiều lần lỡ hẹn, năm nay, chúng tôi đã có dịp về Suối Tọ đúng dịp dã quỳ nở rộ.

 

Hoa dã quỳ trên vùng cao Suối Tọ.

Từ thị trấn Phù Yên, theo con đường có  nhiều đoạn cua dốc ngoằn ngoèo, xuyên qua rừng thông, chúng tôi đặt chân đến xã vùng cao Suối Tọ trong từng đợt gió hun hút, lạnh tê tái. Nhưng, trong gió rét, những rặng hoa dã quỳ vẫn nở rộ, ken dày hai bên đường, rực lên một màu vàng tràn nhựa sống. Lên đỉnh đồi thông, đất trời như hòa quyện, mây giăng màu trắng đục vờn quanh núi. Ðã từng lên Suối Tọ nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến loài hoa cánh xếp đều như hoa cúc, vàng như hướng dương, nở rực trong mây mù giá rét. Ở rẻo cao, nơi sương và mây hòa quyện, khó có loài cây nào có thể ra hoa nhiều và có sức sống dẻo dai đến thế.

Còn nhớ trước đây, vùng cao Suối Tọ luôn khô cằn vào mùa hạn, duy chỉ có dã quỳ vẫn bền bỉ trổ hoa. Sắc vàng óng ả bung ra từ bản năng và sức sống tiềm tàng. Nay, cũng vẫn nơi này, nhờ trồng và bảo vệ tốt những cánh rừng, bà con đã không còn lo thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng sơn tra, xoài cùng các cây ăn quả khác, một số hộ đã xây được nhà cửa vững chãi. Những đứa trẻ chỉ biết theo cha mẹ lên nương trồng ngô, hái măng rừng, giờ đã được học cái chữ, được ăn, ở bán trú tại trường. Vui hơn, nhiều gia đình còn tạo điều kiện cho con em học lên đại học, hy vọng con cháu đem tri thức về phục vụ quê hương.

Lên điểm cao nhất trên triền núi, phóng tầm mắt nhìn về các bản, thấp thoáng những ngôi nhà mái lợp fibroximang lẫn trong sắc hoa dã quỳ. Người ta bảo “dã quỳ chỉ đẹp khi mọc cạnh nhau”, quả đúng vậy, từng đám cây, bén rễ sâu vào đất cằn, vươn cao, lá xanh ngắt, hoa vàng ruộm. Ngắm dã quỳ trong khung cảnh rừng núi trùng điệp, dày đặc sương mù khiến ta cảm nhận thêm vẻ đẹp nguyên sơ của loài hoa này.

 Ghé vào nhà ông Vàng A Mua nằm sát bên đường, ông bảo hoa dã quỳ đã có ở nơi đây từ rất lâu rồi, hoa mọc ở trên nương, bờ rào, hai bên đường đi, cứ vào mùa đông là nở rộ. Trước đây, đường lên Suối Tọ khó đi lắm, nên ít người biết đến, bây giờ, đường tốt rồi, vào những ngày cuối tuần hàng trăm lượt khách lên Suối Tọ du lịch, trải nghiệm và ngắm hoa. Vui lắm!

Tiếp tục đi về phía lưng chừng đèo, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe máy nối đuôi nhau, đưa các bạn trẻ đến nơi đây chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hòa mình vào giữa rừng hoa vàng, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp lạ thường. Anh Nguyễn Đăng Hòa, thợ chuyên chụp ảnh cưới cho biết: Càng vào mùa cưới, chúng tôi càng áp lực trong việc tư vấn cho các cặp đôi thực hiện bộ ảnh cưới của mình. Khi đến Suối Tọ, chúng tôi bị cuốn hút ngay và quyết định giới thiệu để các cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới. Suối Tọ cách trung tâm huyện 15 cây số đấy, nhưng đường về xã đã được trải nhựa, ô tô đi được cả 4 mùa, không còn trở ngại gì!

Còn bạn Hồ Thiên Nga, ở phố Mới, xã Gia Phù chia sẻ: Tôi thích những mùa hoa, nhất là hoa dã quỳ ở vùng cao Suối Tọ. Tôi đã cùng bạn bè nhiều lần tới đây chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc đẹp và giới thiệu, chia sẻ với mọi người qua mạng xã hội, nhờ vậy mà nhiều bạn trẻ biết đến nơi đây hơn. Tôi tin mỗi du khách đặt chân đến đây sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của loài hoa và cùng nhau bảo vệ chúng, bảo vệ môi trường nơi đây.

Chiều xuống, mây mù càng ken dày. Từng đoàn du khách vội vã xuống núi mang theo nhiều ấn tượng về loài hoa dại nhưng vô cùng quyến rũ nơi vùng cao Suối Tọ.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.