Bắc Yên bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Bắc Yên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giọng nữ
Du khách trải nghiệm nhảy sạp tại lễ hội mừng cơm mới xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng và trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng. Đến nay, huyện có 3 di tích được xếp hạng. Trong đó, 2 di tích lịch sử quốc gia, gồm: Di tích khảo cổ quốc gia Bãi đá khắc cổ khe hổ, xã Hang Chú và Di tích lịch sử quốc gia Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn; Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến 99 được xếp hạng cấp tỉnh và 4 di tích được đưa vào danh mục di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh tỉnh Sơn La.

Phối hợp khảo sát trang phục truyền thống, công cụ sản xuất sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông tại các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng; thu thập tư liệu văn hóa dân tộc Mông tại các xã Hang Chú, Tà Xùa phục vụ xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã phục dựng các nghi lễ truyền thống, tổ chức các lễ hội: Lễ lập tịch, cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội Xên bản, Xên Mường của dân tộc Thái, lễ Gầu tào của dân tộc Mông. Chú trọng khôi phục, phát triển các nghề rèn, làm khèn bè, làm giấy, thêu may trang phục thổ cẩm, nấu rượu Hang Chú, mây tre đan của người Mường, Thái… phục vụ đời sống nhân dân và làm quà lưu niệm cho khách du lịch.

Nhân dân xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, phục dựng nghi lễ mừng cơm mới truyền thống.

Huyện đã thành lập 5 câu lạc bộ văn hóa tại các xã Mường Khoa, Song Pe, Phiêng Ban, Tà Xùa; duy trì các đội văn nghệ, dân vũ, thể thao tại các bản, tiểu khu. Hằng năm, tổ chức ngày hội thể thao văn hóa và du lịch huyện, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã và đang làm thay đổi nhận thức của nhân dân. Đồng thời, việc đầu tư cho công tác bảo tồn bước đầu đã giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, góp phần tạo ra sinh kế cho nhân dân.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, số lượng khách du lịch đến huyện tăng bình quân từ 10-30%/năm. Từ đầu năm đến nay, huyện đón trên 92.500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt hơn 54 tỷ đồng. Việc phát triển du lịch đã tạo việc làm cho khoảng 750 lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đội văn nghệ xã Song Pe, huyện Bắc Yên, trình diễn nhảy sạp tại lễ hội đua thuyền

Ông Lò Bình Minh, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, cho biết: Xã đang phối hợp khảo sát về trang phục truyền thống, nghề thủ công truyền thống, công cụ sản xuất sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông tại các bản trong xã để triển khai thí điểm mô hình “Bản văn hóa du lịch” tại bản Bẹ, nhằm bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch. Xây dựng đội văn nghệ truyền thống dân tộc Mông, xây dựng các sản phẩm đặc sản như chè, sơn tra để làm quà tặng. Tu sửa các ngôi nhà truyền thống để phục vụ du khách đến tham quan, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống để giới thiệu đến khách du lịch.

Các trò chơi dân gian được tổ chức tại các lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem, cổ vũ.

Cùng bạn bè đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại Tà Xùa, chị Nguyễn Thùy Linh, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: Đến với Tà Xùa, chúng tôi được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng; được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông và thưởng thức những món ăn truyền thống. Tôi rất ấn tượng với những bộ trang phục truyền thống được làm thủ công, tỉ mỉ bởi bàn tay khéo léo của các phụ nữ dân tộc.

Những biển mây bồng bềnh ôm ấp các ngọn núi, rượu Hang Chú ấm nồng, vị ngọt chè cổ thụ Tà Xùa..., cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc, đã hội tụ trong bức tranh du lịch của huyện vùng cao Bắc Yên. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch trên địa bàn huyện đang từng bước đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Bắc Yên đến với du khách.

Bài, ảnh: Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới