Sắc màu du lịch vùng lòng hồ thủy điện

Quỳnh Nhai vùng đất bên sông Đà với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây, còn là địa bàn cư trú của 7 dân tộc còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc và các lễ hội đặc trưng của cư dân vùng sông nước, tạo nên sắc màu riêng cho du lịch Quỳnh Nhai.

Giọng nữ
Lòng hồ thủy điện Sơn La tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai.

Khám phá vùng hồ

Trên chiếc thuyền du lịch rẽ sóng nước, chúng tôi khám phá lòng hồ thủy điện Sơn La. Đứng trên mui thuyền, du khách thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ sông, không khí mát lành với làn nước xanh trong, những dãy núi đá vôi sừng sững cao ngất, in bóng xuống mặt hồ, những đảo lớn, đảo nhỏ đứng xen kẽ tạo nên bức tranh phong thủy hữu tình của một vùng sông nước. 

 Với hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ đã và đang trở thành một trong những thế mạnh của Quỳnh Nhai vừa khai thác các nguồn lợi từ lòng hồ, là tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng trên lòng hồ thủy điện. Du khách đến đây vừa được tham quan, vãn cảnh, tham gia các lễ hội, vừa trải nghiệm cách nuôi cá lồng trên sông, cùng thưởng thức các món đặc sản được chế biến từ cá như: Cá nướng, cá gỏi, cá nấu măng chua... ngay tại các nhà hàng nổi trên sông.

Ngày hội đua thuyền bên sông Đà.

Bắc ngang sông Đà sừng sững cây cầu Pá Uôn nối đôi bờ, vắt ngang dòng nước biếc nâng bước du khách tham quan trên lòng hồ thủy điện. Cầu Pá Uôn đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam với trụ chính cao tới 98,6m. Cây cầu không chỉ gắn với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á mà còn tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách đến với Sơn La, đến với Quỳnh Nhai.

 Đến Quỳnh Nhai, thăm các bản ven sông của người Thái từ các xã Mường Sại, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên... du khách được thưởng ngoạn, khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người Thái trắng; tìm hiểu về những lễ hội truyền thống như: “Gội đầu”, “Kin Pang Then”; thưởng thức nét ẩm thực phong phú của người Thái trắng với món khẩu lam, khẩu hang, pa pỉnh tộp, pa dảng, gà mọ... Được hòa mình trong vòng xòe, say mê trong tiếng đàn tính tẩu, sống trong sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của tình người nơi đây tạo những ấn tượng không thể quên mỗi dịp đến vùng sông nước.

Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai.

 Một điểm đến không thể bỏ lỡ là Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai có quy mô gần 14 ha, tọa lạc trong không gian lòng hồ thủy điện Sơn La, ba mặt của khu đất hướng nhìn về phía sông Đà. Theo quan điểm kiến trúc truyền thống tọa sơn hướng thủy trong toàn quần thể có các công trình: Đền thờ Linh Sơn – Thủy từ và Nàng Han được di chuyển, phục dựng tháng 10/2011; khánh thành tháng 5/2012 trên cơ sở các cổ vật linh thiêng từ ngôi miếu thờ thần sông, thần núi được tạo lập từ trước thế kỷ XVII, tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên.

Tượng Phật Quán Thế Âm Bồ Tát khánh thành tháng 11/2020. Cùng với đó, các công trình: Chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hạ, tháp bút và các hạng mục phụ trợ được xây dựng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân địa phương và du khách; phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, hướng thiện, nhân văn “tốt đời, đẹp đạo".

Lễ dâng hương Đền Nàng Han.

Bức tranh sơn thủy hữu tình của lòng hồ thủy điện tại Quỳnh Nhai trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa. Chị Hoàng Thúy Vân, du khách đến từ thành phố Hà Nội, chia sẻ: Nơi đây quang cảnh rất đẹp, nước trong xanh, người dân ở đây rất thân thiện và chúng tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh đẹp. Chúng tôi sẽ giới thiệu, quảng bá mảnh đất, con người Sơn La, đặc biệt là Quỳnh Nhai đến với mọi người.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Sơn La, huyện Quỳnh Nhai được xác định là một trong những khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Hiện thực mục tiêu này, huyện Quỳnh Nhai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước xây dựng Quỳnh Nhai là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Lò Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Phát triển du lịch được Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai xác định là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, với mục tiêu đến năm 2025, số lượt khách du lịch đạt 250.000 lượt khách/năm, tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 120 tỷ đồng/năm. Thực hiện nội dung đột phá huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh các sản phẩm du lịch thông qua phương tiện thông tin đại chúng và trên các nền tảng mạng xã hội.

Điểm du lịch Pá Uôn Ecolakes.

 Thu thút các nhà đầu tư, phát triển các dịch vụ du lịch, những năm qua huyện Quỳnh Nhai đã tập trung hoàn thiện quy hoạch, công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại huyện. Đến nay, Quỳnh Nhai đã thu hút được 5 dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là 162 tỷ đồng.

Theo đó, hạ tầng du lịch bước đầu được đầu tư bến, bãi, đường giao thông, tàu thuyền du lịch, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ công viên khu vui chơi giải trí, khu du lịch ngày càng đồng bộ. Huyện Quỳnh Nhai có 8 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn, còn lại là nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác.

Quỳnh Nhai đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Điểm du lịch Pá Uôn Ecolakes, đảo Trái tim, vịnh Bình Yên, Đảo Pú Dăn; khu du lịch văn hóa tâm linh Quỳnh Nhai; khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, điểm du lịch Khách sạn Trung Kiên, du lịch cộng đồng bản Bon… tạo được điểm nhấn, góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh, vùng đất, con người Quỳnh Nhai với du khách.

Du khách tham quan vịnh Bình Yên.

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai được xây dựng từ năm 2018, với sự hỗ trợ và tạo điều kiện của huyện Quỳnh Nhai, Dự án đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 là 50 tỷ đồng, gồm nhiều công trình như: Bến thuyền, nhà hàng vườn hoa thổ cẩm, đảo trái tim, vườn cây ăn trái, suối nước nóng bản Bon,... và nhiều hạng mục khác, cùng một thời điểm có thể đáp ứng nhu cầu khoảng 1.000 khách ăn uống; 125 khách nghỉ; hằng nghìn khách tham quan, trải nghiệm du lịch lòng hồ trong ngày.

Ông Đặng Quang Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, thông tin: Hiện nay, HTX đang tiếp tục đầu tư tại đảo Trái tim với các hạng mục: Bãi tắm, nhà nổi, công viên nước và các dịch vụ chèo thuyền, trải nghiệm bắt cá trên sông...; vườn hoa thổ cẩm lấy cảm hứng từ họa tiết thêu trên thổ cẩm của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, hay vườn cây ăn trái cho thực khách nếm hương vị của các loại cây trái khắp bốn mùa.

Tái hiện Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng Quỳnh Nhai.

Cùng với khai thác thế mạnh lòng hồ, Quỳnh Nhai đã hỗ trợ hoạt động các đội văn nghệ truyền thống; xây dựng các câu lạc bộ sinh sinh hoạt văn hóa dân gian; lựa chọn phục dựng, bảo tồn phát huy một các lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc sắc để xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo thu hút khách du lịch. Tăng cường về phát triển thị trường du lịch xúc tiến, quảng bá, trong phát triển du lịch gắn với Tuần Văn hóa, Thể thao và du lịch hàng năm làm điểm nhấn với nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá về mảnh đất con người thân thiện, mến khách, mời nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch.

Tổ chức tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế, du lịch Sơn La tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch do tỉnh tổ chức... Kết hợp nguồn vốn Chương trình trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Tăng cường quảng bá du lịch thông qua các hoạt động như tổ chức cuộc thi ảnh đẹp tiêu biểu về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người, thế mạnh của Quỳnh Nhai, xây dựng ấn phẩm quảng bá chuyên nghiệp, ấn tượng, hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư; sản xuất clip, phim ca nhạc phụ đề “Quỳnh Nhai - Nơi dòng sông hát” giới thiệu tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc, sản phẩm nông sản an toàn, sản vật địa phương, ẩm thực dân tộc, mô hình du lịch tiêu biểu trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Xây dựng Trang thông tin du lịch Quỳnh Nhai và phần mềm du lịch thông minh do Công ty cổ phần IGB tài trợ.

Du khách tham quan Cột mốc huyện Quỳnh Nhai cũ trên lòng hồ.

Quỳnh Nhai cũng đang huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống quý báu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn để bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của vùng quê sông nước Quỳnh Nhai. 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới