Để thực sự thu hút được các nhà đầu tư vào mảng du lịch nghỉ dưỡng, Hòa Bình cũng như nhiều địa phương khác cần giải quyết được vấn đề giá bất động sản, quy hoạch và bảo tồn bản sắc và văn hóa địa phương.
Đây là những đánh giá chung được các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” diễn ra chiều 5/1 tại Hà Nội. Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện chính quyền tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia về kinh tế, bất động sản, quy hoạch, pháp lý,…
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là một vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao và du lịch nghỉ dưỡng.
Năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, Hòa Bình đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách, trong đó bao gồm hơn 400.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu hơn 2.200 tỷ đồng.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Hòa Bình vẫn đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 42.000 lượt khách quốc tế (là những người đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam), đạt doanh thu trên 1.100 tỷ đồng.
Các khu nghỉ dưỡng như Avana Resort, Mai Chau Ecolodge; Ba Khan Village Resort (Mai Châu), Serena Resort (Kim Bôi), Ivory Resort (Lương Sơn), sân Golf Phượng Hoàng, Sân Golf Hill Top Valley... luôn là những điểm đến an toàn, thân thiện và thu hút khách. Hiện, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Trường chỉ ra điểm nhấn của các mô hình khu nghỉ dưỡng tại Hòa Bình hiện nay đó chính là việc gắn với bản sắc, văn hóa của địa phương để phát triển bền vững. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình nêu dẫn chứng: “Chúng tôi áp dụng ở Mai Châu với hình thức du lịch cộng đồng phát triển. Hiện có nhiều khu resort tại Hòa Bình phải dựa vào bản sắc, văn hóa để phát triển bền vững”.
Ông Trường cho hay, trong Nghị quyết của tỉnh Hòa Bình có nêu rõ việc phát triển bền vững, giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên nên các nhà đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng phải tuân thủ quy định chung của tỉnh. Xây dựng môi trường phát triển bền vững cần phải gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển bất động sản gắn với bảo tồn văn hóa, môi trường
Chia sẻ về vấn đề làm thế nào để thực sự thu hút được các nhà đầu tư vào mảng du lịch nghỉ dưỡng gắn với phát triển bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, lãnh đạo địa phương Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Tiến sĩ Đính chỉ ra rằng, trong năm 2021, thị trường bất động sản cả nước có hiện tượng tăng giá. Đặc biệt, có những địa phương như Hòa Bình được nhận định là vùng trũng, có sức hút, giá cả tăng mạnh. Đất đai hiện đang được đầu tư công rất mạnh, làm gia tăng giá trị đất đai của bất động sản, đó là điều tất nhiên, giá trị bất động sản luôn tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư.
“Tuy nhiên, thị trường cũng có những nơi sốt ảo và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này. Việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản. Và một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo”, tiến sĩ Đính lưu ý.
Nói về câu chuyện của Hòa Bình, tiến sĩ Đính nhận định: “Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Tôi còn nhớ, năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hòa Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này”.
Mặc dù cho rằng Hòa Bình có lợi thế đặc biệt về thiên nhiên, văn hóa địa phương để phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp theo hướng du lịch bền vững, địa phương vẫn cần phải chủ động nghiên cứu, xem xét, đầu tư thêm các cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ hỗ trợ.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô nhấn mạnh, sự phát triển bền vững phụ thuộc rất nhiều vào tầm vóc của chủ đầu tư và đơn vị phát triển, vận hành dự án để có thể đáp ứng được hệ thống các quy chuẩn khắt khe, đồng thời đưa dịch vụ lưu trú trong nước hướng tới một giá trị bền vững và chuyên nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, Hòa Bình cần quy hoạch ổn định, dài hạn; Phải bảo đảm tính kết nối vùng; Phải tôn trọng tất cả phát triển các loại hình bất động sản. Phải có cơ chế pháp lý phải bảo đảm để bảo vệ các bên, đặc biệt các nhà đầu tư. Nổi bật là bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ, bảo vệ lợi ích của người dân bản địa, cuối cùng là lợi ích của du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý thêm, địa phương này cần quan tâm đến môi trường và cần đưa ra bộ tiêu chí về môi trường, nâng cao giá trị bền vững, phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!