Ngọt thơm măng bói

Măng là sản vật đặc trưng của núi rừng Sơn La - Tây Bắc, nhưng có lẽ ít ai biết rằng, trong số vô vàn các loại măng thay nhau mọc quanh năm bốn mùa ấy, măng bói mới đích thực là đặc sản thơm ngon và được yêu thích nhất. Với măng, có người ưa đắng, người thích ngọt, người lại khoái vị ngăm ngăm pha trộn nên mỗi loại măng sẽ chỉ hợp với khẩu vị của một bộ phận người ăn. Duy chỉ có măng bói là loại có thể dung hòa mọi sở thích, hương vị giòn ngọt, thơm mát của miếng măng trắng nõn dễ dàng chiều lòng mọi thực khách với những khẩu vị khó dễ khác nhau.

 

Măng bói được đồng bào dân tộc Thái bán tại chợ Thành phố.

Cái tên măng bói vốn là phiên âm của “nó bói” trong tiếng dân tộc Thái, nghĩa là một giống măng ngọt. Loại tre này thường mọc thành từng cụm lớn trong rừng đất ẩm với những thân cây to, gióng ngắn, thân cứng và chắc. Măng mọc lên từ các bụi tre già, người đào măng chỉ việc gạt qua các lớp lá khô phủ đầy gốc tre là dễ dàng thấy được những búp măng to, măng nhỏ nhú lên nhọn hoắt. Nếu như măng đắng chỉ có vào cuối đông, đầu xuân, mùa măng sặt từ tháng 2 đến tháng 4, măng lay từ tháng 7 đến tháng 10 thì măng bói có thời gian thu hoạch lâu nhất. Mùa măng bói kéo dài từ đầu tháng 4 cho đến tận tháng 11 như một sự ưu ái dành cho đồng bào nơi vùng cao Sơn La, một thức quà quý của núi rừng dành riêng cho những người con gắn bó lâu đời với đại ngàn. Khác với các loại măng đắng, măng vầu, măng mai, măng bương... thường có lẫn vị he, đắng và khó ăn với đa phần những người từng biết đến măng, thì măng bói rất lành, vị giòn ngọt, dễ ăn và dễ chế biến thành nhiều món ngon.

Măng bói tươi mới đào mang về, bóc lớp vỏ già bên ngoài, cho vào nồi đổ nước ngập sâm sấp, bắc lên bếp chất củi cho lửa cháy thật to thật đượm để nồi măng sôi khoảng 20 phút là đã có thể thưởng thức nguyên vị giòn ngọt, thơm ngon đặc biệt. Măng bói luộc chấm với “chẳm chéo” khiến hương vị thêm lôi cuốn, có thể ăn đến no mà vẫn không chán. Với đồng bào miền núi, măng bói luôn chiếm vị trí số một về độ ngon, bởi chẳng có loại măng nào giòn và ngọt đến thế. Thậm chí, người ta còn có thể bóc cùi măng tươi để ăn ghém cùng với rau sống mà không cần luộc qua. Thái một chút măng tươi thả vào nồi canh rau ngót hay rau tập tàng thôi cũng đủ có bát canh giải nhiệt ngày hè ngọt mát. Hay món măng bói xào thịt, măng xào với rau rừng,  măng nộm với hoa ban, măng thái miếng hầm xương,... đều là những món ăn có cách thức chế biến đơn giản mà hương vị thì cuốn hút khó tả. Vào mùa măng bói, sẽ thật thiếu sót nếu trong nhà không có vài hũ măng ớt. Măng bói tươi đem về chỉ việc rửa sạch, thái miếng mỏng, trộn với tỏi đập dập, ớt cắt nhỏ, thêm muối, dấm rồi cho vào vại nhỏ hay hũ thủy tinh ủ vài ngày là đã dậy mùi hấp dẫn, đem ra ăn ghém với món gì cũng thấy hợp lý.

Đến Sơn La thời điểm này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc bày bán sạp măng bói đầy ắp, củ nào củ nấy tròn ủng, cùi trắng tinh nhìn đến là thích mắt. Măng bói luộc kết hợp với chẳm chéo cay cũng chẳng thể thiếu được trong thực đơn các nhà hàng chuyên về ẩm thực dân tộc. Buổi sáng, nếu ghé vào một quán phở nào đó mà có sẵn bày trên bàn hũ măng bói muối ớt thì không gì thú vị bằng. Bởi đã là người Sơn La thì ắt hẳn, chẳng ai lại không thích thêm một chút cay nồng vào bát phở sáng và lại chẳng thích vị măng bói tươi giòn muối chua, ăn một lần là nhớ, là ghiền không muốn bỏ.

Với đồng bào miền núi, măng bói gần gũi và trân quý không chỉ bởi loại măng này lành tính, ngon ngọt, là món quà của núi rừng, mà còn là mặt hàng đắt khách giúp họ kiếm thêm thu nhập trong suốt cả mùa thu hoạch kéo dài hơn 9 tháng trong năm. Đây cũng là món đặc sản mà bất cứ ai khi đến Sơn La mùa này nhất định không thể bỏ lỡ dịp thưởng thức.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới