Vị vua đầu tiên của Đế chế La Mã cổ đại Augustus đã cho xây dựng nhà hát dọc theo sườn đồi Fourvière, ngay trung tâm của vùng thuộc địa dưới triều đại La Mã. Nhà hát được xây dựng vào năm 15 trước Công nguyên, sau đó đã được mở rộng thêm quy mô vào cuối thế kỷ 1 hoặc đầu thế kỷ 2, với sức chứa lên tới hơn 10.000 người.
Nhưng trong quá trình lịch sử, nhà hát cổ đã có lúc bị rơi vào lãng quên từ sau giai đoạn cuối của Đế chế La Mã. Thay vì phục vụ các buổi biểu diễn sử thi, công trình này đã biến thành một mỏ khai thác đá và bị hư hại nặng nề, thậm chí còn bị chôn vùi hoàn toàn vào thời kỳ Trung Cổ. Mãi đến cuối thế kỷ 19, nhà hát được tình cờ phát hiện trở lại. Sau đó, công cuộc khai quật, khôi phục và trùng tu được bắt đầu từ năm 1933, đưa nhà hát cổ này trở lại với vị trí biểu tượng của thành phố Lyon cổ đại.
Nhà hát có thiết kế hình bán nguyệt với đường kính 108,5m. |
Nhà hát mang lối kiến trúc cổ điển, với khán đài là các bậc thang hình bán nguyệt tỏa dần đều lấy sân khấu làm trung tâm. Kích thước ban đầu của nó rất khiêm tốn với đường kính chỉ 89m, bao gồm hai dãy khán đài với 25 bậc tương đương 5.000 chỗ ngồi được bao quanh bởi một lối đi.
Vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, cùng với việc xây dựng thêm nhà hát nhỏ hơn ngay bên cạnh, mang tên Odéon, nhà hát cổ được quy hoạch mở rộng thêm đạt đến đường kính 108,5m. Lối đi bộ được thay thế bằng dãy khán đài thứ ba, nâng sức chứa của nó lên 10.000 chỗ ngồi.
Khán đài được xây dựng theo lối bậc thang từ các loại đá nguyên khối. |
Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu vật liệu xây dựng của nhà hát bằng các phân tích hóa học và tinh thể học để tìm kiếm nguồn gốc của chúng. Vật liệu có sẵn tại địa phương dường như không phù hợp cho việc xây dựng một công trình hoành tráng đến vậy. Ngọn đồi Fourvière thực chất là một băng tích, với nhiều đất bùn, sỏi và đá cuội. Các công trình kết cấu, móng, mái vòm, khán đài, chân tường sân khấu, được xây bằng từ các loại vật liệu khác nhau như đá granit, đá phiến và đá vôi. Trong khi đó, các điểm nhấn trang trí lại sử dụng đá cẩm thạch và đá xốp được khai thác từ Ý, Hy Lạp và Ai Cập. Sự cầu kỳ và tinh xảo của công trình hoành tráng này đã cho chúng ta thấy được sự phát triển rực rỡ của một nền văn minh huy hoàng thời bấy giờ.
Ở phía dưới chân khán đài, ngay đối diện với sân khấu, khoảng không gian hình bán nguyệt có đường kính 25,5m gồm 4 bậc ghế bằng đá cẩm thạch Carrara trắng làm chỗ ngồi dành riêng cho tầng lớp quý tộc và dàn nhạc.
Trụ đá còn sót lại theo năm tháng là tàn tích của bức tường phía sau sân khấu. |
Khác với kiến trúc của những nhà hát Hy Lạp cổ đại với tầm nhìn mở của khán đài hướng về không gian xung quanh, thì nhà hát mang phong cách La Mã lại sử dụng những bức tường lớn phía sau sân khấu, với tác dụng tối ưu hóa các hiệu ứng âm thanh.
Mô phỏng nhà hát cổ La Mã trên đồi Fourvière. |
Tất cả những gì còn lại của bức tường ở phía sau sân khấu ngày nay chỉ còn là đế của các cột trụ. Bức tường bao gồm 3 cửa, trong đó một cửa chính giữa dành cho nhân vật chính và hai cửa bên là lối ra vào của các nhân vật phụ. Cửa trung tâm rộng 3,2m, trong khi các cửa bên rộng 2,75m.
Nhà hát cổ La Mã trên đồi Fourvière trở thành biểu tượng của thành phố Lyon cổ đại. |
Ngày nay, nhà hát cổ La Mã vẫn tiếp tục phục vụ đời sống tinh thần, văn hóa và nghệ thuật cho người dân mỗi dịp “Lễ hội Đêm dài trên đồi Fourvière” được tổ chức hằng năm. Cùng với nhà hát cổ và Vương cung thánh đường Notre-Dame cách đó chưa tới trăm mét, đồi Fourvière của thành phố Lyon tạo nên một khu quần thể di tích lịch sử độc đáo được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, tiếp đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!