Vân Hồ là huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch. Một trong những điểm đến hiện đang thu hút du khách là 2 thác nước tuyệt đẹp là thác Tạt Nàng và thác Nàng Tiên.
Thác Tạt Nàng, bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, như một dải lụa trắng trải dài giữa vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn. Thác bắt nguồn từ hai dòng suối Tạ Sam và Nà Piu, chảy từ dãy núi phía tây thuộc địa phận bản Phụ Mẫu đổ xuống thung lũng với độ cao trên 100m. Theo người dân nơi đây, mùa nước lớn, thác chảy thành 3 dòng với những khối nước lớn cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá tạo nên vô vàn hạt bụi nước trắng xóa, tỏa ra như những hạt sương làm mờ cả một vùng rộng lớn.
Chúng tôi đến thác đúng vào ngày nắng đẹp, dưới làn hơi nước, cầu vồng lung linh, huyền ảo khiến các du khách vô cùng thích thú. Chị Nguyễn Hoàng Ngân, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi đã được đi tham quan nhiều thác đẹp ở mọi miền Tổ quốc, nhưng ấn tượng nhất với tôi ở thác Tạt Nàng là những thảm cỏ xanh mướt, không gian thanh bình với tiếng thác chảy hòa với tiếng chim hót, tạo thành âm thanh rất đặc trưng của núi rừng.
Chúng tôi còn được nghe câu chuyện đầy xúc động, đậm chất nhân văn về nguồn cội của dòng thác. Đó là chuyện tình của một cô gái Thái xinh đẹp với một chàng trai ở làng bên. Khi chàng trai lên đường đánh giặc, bên dòng thác hùng vĩ, đã gửi gắm những lời hẹn ước khi quân giặc tan sẽ về cưới nàng và hai người sẽ mãi ở bên nhau. Nhưng chàng trai đã không bao giờ trở về, ngày qua ngày, cô gái âm thầm ra dòng thác ngóng đợi, rồi dòng lệ của của cô gái cứ thế tuôn trào hoà quyện với dòng nước. Ngày tháng trôi qua, cô gái đã hoá đá bên dòng thác để chờ chàng. Xúc động trước tình yêu và lòng thủy chung của cô gái, từ đó người dân trong bản đặt tên cho thác nước là Tạt Nàng, có nghĩa là thác Nàng.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến thác Nàng Tiên ở, bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa. Được hình thành bởi nguồn nước của các dòng suối lớn trên địa bàn xã Chiềng Khoa, chảy đến địa phận bản Nà Chá thì đổ xuống ghềnh đá cao khoảng 60m tạo thành dòng thác, người dân địa phương còn gọi là thác Hai Nàng.
Nhắc đến thác Nàng Tiên, bà con dân tộc Thái nơi đây truyền miệng câu chuyện về hai thiếu nữ xinh đẹp Khăm Khe và Khăm Kiêu có cha mẹ là người Thái trắng đầu tiên di cư từ Đà Bắc (Hòa Bình) về khai hoang ở Chiềng Khoa. Họ đặt tên cho vùng đất mới là Mường Mây vì khí hậu thương xuyên có sương mù, dân cư muôn nơi dần dần về lập làng để sinh sống. Hai nàng đã dạy họ cách làm ruộng, dựng nhà, múa xòe…, người dân cảm phục tài đức của hai nàng mà tôn thành tiên và gọi là Nàng Bẳng, Nàng Mương. Dân trong vùng về sau lập đền thờ, tên gọi đền Nàng Bẳng – Nàng Mương hay còn gọi là đền bà Chúa Sơn Lâm. Cứ mỗi năm vào mùa hoa ban nở (tháng 3) người dân lại đến thắp hương, cầu bình an, cầu sức khỏe cho dân làng, cầu mong cho một mùa vụ thuận hòa.
Thác Nàng Tiên ẩn mình giữa thung lũng Nà Súng kỳ bí, xung quanh là cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn màu xanh ôm lấy toàn bộ thung lũng như để cất giấu những điều bí mật về truyền thuyết Nàng Bẳng, Nàng Mương. Thác Nàng Tiên gồm 3 tầng, mỗi tầng mang một vẻ đặc trưng riêng. Cảnh sắc tầng một hiền hòa với những dòng nước trong xanh, uốn lượn qua những ghềnh đá bồng bềnh thơ mộng mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy thú vị với một số hồ nước nhỏ sâu ngang hông người lớn. Đến đây vào dịp hè, du khách có thể cảm nhận được dòng nước mát lạnh, làm xua tan đi mệt mỏi hay cái nóng, oi bức của mùa hè.
Lên đến tầng thứ hai, du khách sẽ thấy được sự hùng vĩ và hoang sơ đến thơ mộng của dòng thác đổ xuống tạo thành hồ nước xanh như ngọc. Tầng thứ 3 có dòng nước cao trên 60m đổ xuống mặt nước trong xanh, tung bọt trắng xóa tạo cho du khách cảm giác như đang được chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên.
Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vân Hồ, chia sẻ: Hằng năm, cứ vào mùa hoa ban nở, cộng đồng các dân tộc nơi đây thường tổ chức Lễ hội Hoa Ban hay còn gọi là lễ Xên Bản, Xên Mường thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – một vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “Nàng Ban” - một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trong trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung, khát vọng tự do. Đối với cộng đồng dân tộc Thái trắng Chiềng Khoa và cộng đồng các dân tộc nơi đây, lễ hội Hoa Ban còn là dịp để bày tỏ lòng tri ân công lao của “Hai bà chúa” người đã có công khai phá ra vùng đất này, dạy bảo người dân làm ăn, biết thêu thùa, dệt vải, dạy nhân dân múa xòe, hát giao duyên… Trong tâm thức của dân tộc Thái trắng nơi đây, “Hai bà chúa” trở thành vị nhân thần linh thiêng bảo vệ, che chở bản mường, phù hộ độ trì cho nhân dân luôn khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Một buổi tham quan ở Thác Tạt Nàng và thác Nàng Tiên của huyện Vân Hồ đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp và phong cảnh hữu tình và sự thân thiện của những người dân nơi đây. Đây sẽ là điểm tham quan lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá và đưa du lịch của huyện Vân Hồ ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!