Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới • Kỳ 1:  “Viên ngọc” đang tỏa sáng

Trong không gian phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ của Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được đánh giá là một trong những khu du lịch quan trọng nhất trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc” theo quốc lộ 6. Năm 2022, giải thưởng “Điểm đến Thiên nhiên hàng đầu khu vực Châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” mang đến cho du lịch Mộc Châu nhiều lợi thế, song cũng đặt ra yêu cầu về quy hoạch và quản lý quy hoạch khu du lịch để vừa đảm bảo phù hợp, vừa bảo tồn, phát huy và giữ vững danh hiệu đã đạt được.

Những đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu.   Ảnh: Phong Lưu

Trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên theo cách trung thực nhất

Sáng sớm ở điểm du lịch cộng đồng bản Vặt, xã Mường Sang, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chim gù dưới sàn, tiếng hót lanh lảnh của những chú họa mi ở mấy ngôi nhà đối diện homstay chúng tôi thuê nghỉ. Anh Hà Văn Trọng, Trưởng bản Vặt, ý ới gọi chúng tôi và ông Hoàng Ngọc Bích, chủ nhà nghỉ homestay đi trải nghiệm đánh cá ở suối Tá Văng Hay. Câu chuyện tối hôm trước bên bếp lửa về những con cá pa mi, pa môn (hiếm như cá dầm xanh) được bắt ở gần thác của suối Tá Văng Hay vô cùng cuốn hút khiến chúng tôi nhanh chóng sửa soạn để lên đường.

“Tá Văng Hay”, tiếng dân tộc Thái có nghĩa là “Suối nước đẹp”. Tương truyền trước kia, những nhà sư ở Chùa Vặt Hồng (Di tích Chùa Vặt Hồng  hay còn gọi là Chùa Chiền Viện, nằm trong bản Vặt là một di tích đặc biệt đã tồn tại hơn 100 năm nay) thường lấy nước ở Tát Văng Hay để làm lễ cúng “xin nước - cầu mưa” và lễ “rửa tượng - tắm tượng”. Con suối nằm gần bản nên chúng tôi chỉ đi bộ vài trăm mét là đã tới nơi. Tiếng thác đổ ào ào, dòng nước suối trong vắt, mát lạnh khiến chúng tôi có cảm giác như trôi đi hết những mệt mỏi của bộn bề công việc, những xô bồ của cuộc sống đô thị, để được đắm mình cùng thiên nhiên, đất trời. Tôi đi men theo các tảng đá phủ kín rêu phong để đi ngược lên thác; còn ông Bích và anh Trọng lúc bơi, lúc lội nhưng cũng vừa ngược dòng suối, vừa quăng chài, xúc cá. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, anh Trọng và ông Bình đã bắt được gần 2 kg cá pa mi, pa môn để mang về nướng, chấm muối ớt đãi tôi và mấy du khách.

Du khách tham quan thác Dải Yếm ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ảnh: Phong Lưu

Sau bữa sáng ở bản Vặt, chúng tôi đến ngắm cảnh ở khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm cũng tại xã Mường Sang, điểm đến hấp dẫn du khách khi đến cao nguyên Mộc Châu bởi vẻ đẹp của sự thơ mộng, quyến rũ giữa thiên nhiên và đất trời. Anh Nguyễn Cao Trung, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia  sẻ: Với khung cảnh thiên nhiên hữu tình, dòng thác đẹp hơn và ấn tượng hơn những nơi khác bởi những hàng cây cổ thụ với hình dáng lạ mắt, trông vừa đẹp lại pha chút ma mị. Thực vật phong phú, đa dạng tạo nên sự ấn tượng cho chúng tôi bởi nét đẹp hoang sơ, kỳ bí.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đi xe máy xuyên qua những bản làng trên cao nguyên Mộc Châu để trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Đến bản Dọi, xã Tân Lập (cách trung tâm thị trấn nông trường Mộc Châu hơn 30 km) với những cung đường uốn lượn qua những đồi chè, đồi mận, những vườn chanh leo, su su trải dài tít tắp trên những sườn đồi. Bản Dọi vẫn giữ được những nét đặc trưng của đồng bào Thái đen với những mái nhà sàn cổ. Ở bản hiện đang có 6 hộ làm homestay nhưng rộng rãi nhất là khu homestay của gia đình ông Hà Văn Quyết với khuôn viên rộng hơn 2.000 m², riêng ngôi nhà sàn du lịch cộng đồng có diện tích khoảng 130 m², 8 gian, có thể phục vụ khoảng 20 khách du lịch mỗi ngày.

Điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu.

Ấn tượng là sự chuyên nghiệp trong cách bài trí đón tiếp khách với cổng chào thơ mộng, những hàng bờ rào được xếp gỗ tròn bên những vườn hoa, vườn mận tươi tốt… tạo nên cảm giác thanh bình, yên tĩnh.  Chị Hoàng Bích Ngọc, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình rất thích thú với những trải nghiệm tại bản Dọi, cho biết: Chúng tôi đã có 1 ngày rất thú vị, phụ nữ thì được tham gia nấu những món ăn dân tộc Thái với nguyên liệu có sẵn trong vườn; đàn ông, thanh niên thì trải nghiệm các sinh hoạt đời thường cùng người dân, như lên rừng hái lá thuốc, leo núi, xuống suối bắt cá... Chúng tôi rất ấn tượng với những trải nghiệm cùng bà con nơi đây.

Những lợi thế riêng biệt

Du lịch Mộc Châu đang sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tạo nên những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ, hoang sơ với nhiều danh lam thắng cảnh, như: Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi), Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, Khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, đồng cỏ chăn nuôi bò sữa... Với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc riêng có ở Mộc Châu, như: Tết của đồng bào dân tộc Mông; lễ hội Hết Chá, lễ hội Cầu Mưa của dân tộc Thái; lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông; lễ Lập Tịnh của dân tộc Dao; lễ hội Chách Vắt, Chách Và - Chùa Vặt Hồng; hội Trà cao nguyên Mộc Châu; ngày hội hái quả, ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, hội thi hoa hậu bò sữa...

Cùng với đó là các hoạt động văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc, như: Múa xòe, nhảy sạp, chơi tó má lẹ của dân tộc Thái; nhảy tha khềnh (nhảy khèn), rồng ấp trứng, đánh tu lu, ném pao của dân tộc Mông; múa chuông của dân tộc Dao... Văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú với hương vị đậm đà, độc đáo phải kể đến như cá nướng, lợn bản, gà đen, xôi ngũ sắc, bê chao, rau cải mèo, thịt chua, rượu ngô, rượu hoẵng,... Những lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đã và đang trở thành thế mạnh của du lịch Mộc Châu, là động lực tăng trưởng, phát triển du lịch bền vững.

Du khách trải nghiệm đánh cá ở điểm du lịch cộng đồng bản Vặt, xã Mường Sang. Ảnh: Phong Lưu

Bên cạnh yếu tố cảnh quan môi trường, thiên nhiên, những nét văn hóa đặc sắc, Mộc Châu còn phát triển mạnh du lịch nông nghiệp đang thu hút du khách đến và trải nghiệm cuộc sống với không khí trong lành, mát mẻ, cảm nhận cuộc sống yên bình, thơ mộng. Hiện các quy hoạch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng được lập trên cơ sở bảo tồn thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tiến sỹ Vũ Văn Tuyên, chuyên gia cố vấn chiến lược hoạch định và phát triển du lịch trong chuyến khảo sát các điểm du lịch ở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, chia sẻ: Với tiềm năng du lịch nổi bật, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có thể khai thác các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, như: Du lịch nghỉ dưỡng núi; tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái núi cao, hang động, hệ sinh thái trung du; nghỉ cuối tuần; thể thao khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại các cửa khẩu và du lịch về nguồn, tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc Việt Nam. Đây sẽ vừa là điểm đến, vừa là điểm dừng chân kết nối với các khu, điểm du lịch quan trọng khác trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc của du lịch Việt Nam.

Về vị trí và mối liên hệ trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Khu du lịch Mộc Châu có nhiều lợi thế là nơi kết nối Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng thông qua quốc lộ 6; có cửa khẩu quốc gia Lóng Sập thông với tỉnh Hủa Phăn và cố đô Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào và xa hơn là sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar. Vì vậy, Khu du lịch Mộc Châu trở thành điểm kết nối quan trọng trên tuyến du lịch xuyên Á theo quốc lộ 6.

Trong tương lai, khi cảng hàng không Nà Sản của Sơn La được đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi để Mộc Châu, Sơn La kết nối với thị trường du lịch trong nước, khu vực và quốc tế.

Năm 2022, Mộc Châu không chỉ nhận giải “Điểm đến Thiên nhiên hàng đầu khu vực Châu Á 2022” mà còn được vinh danh ở cấp cao nhất “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới năm 2022”. Đây là một giải thưởng danh giá trong lĩnh vực du lịch, tạo động lực để huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới