Trương Thị Thu Thủy (giữa) bên bà con dân tộc thiểu số.
Nếu không nghe giới thiệu, du khách ghé thăm địa chỉ 66 Hàng Trống, gặp Trương Thị Thu Thủy có thể nghĩ đó là người phụ nữ vùng cao vừa xuống phố. Chị thường mặc đồ thổ cẩm, đeo trang sức bạc, nước da bánh mật khỏe khoắn, nụ cười thật hồn nhiên. Không gian mang cái tên rất lạ: Chie - dù pù dù pà ơi! (gọi tắt là Chie). Chie là cái tên rất phổ thông trong tiếng Nhật, là sự tri ân của chị Thủy về sự giúp đỡ lớn lao của các chuyên gia Nhật Bản trong dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc”. “Dù pù dù pà” lại có nghĩa là ở rừng, ở núi về.
Quyết chọn đường khó…
Tốt nghiệp ngành điêu khắc, người Hà Nội, nhưng Trương Thị Thu Thủy lại đắm say trong tình yêu Tây Bắc. Chị có nhiều năm làm việc cho dự án xúc tiến ngành nghề nông thôn với mục đích hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Thái, Lào, H’Mông ở bốn tỉnh Tây Bắc, gồm: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu. Năm 2011, dự án kết thúc, Trương Thị Thu Thủy chợt nhận ra, niềm gắn bó bấy lâu với một miền đất, với những con người lam lũ, không dễ gì dứt bỏ. Đó là động lực để chị mở cửa hàng đầu tiên, giới thiệu và tiêu thụ mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho người dân.
Mỗi món đồ ở không gian này mang một câu chuyện riêng, đời sống riêng, gắn bó với người đã làm ra nó, hoặc đang giữ gìn, lan tỏa. Chị Thủy bồi hồi kể lại chuyện về một cái cối chị có được ở bản Na Sang (Mường Chà, Điện Biên). Bản nằm bên con suối, róc rách suốt ngày đêm. Những ngày ở đó, chị quẩn quanh bên bếp lửa và đi chợ.
Bếp là hồn vía của nhà, chợ lại là màu sắc của cộng đồng thôn bản. Chiếc cối gỗ trong gian bếp là món đồ người cha làm cho con, anh làm tặng em, được dùng để giã gia vị làm nên nét đặc trưng về ẩm thực. Để làm được chiếc cối gỗ, bà con sẽ đẽo bằng dao bên ngoài, tới lõi giữa thì gắp than cháy vào, cứ thế đẽo sâu dần, cho đến khi đạt độ lõm và mịn như mong muốn.
Chỉ chiếc cối nhỏ bé nhưng đã cùng con người trải qua nhiều thế hệ với bao kỷ niệm vui buồn, bao thăng trầm cuộc sống. Bà con cũng không nghĩ cô gái Hà Nội lại thích cái cối, thấy khách thẫn thờ ngắm nghía rồi nói đùa: “Em mà lấy chồng nhớ tặng làm quà cưới nhé!” ai nấy lại càng ngạc nhiên. Rồi họ tặng chị cái cối thật. Trước khi tặng còn mang ra suối cọ cho trắng dù khách muốn món đồ còn nguyên dấu vết thời gian.
Nhiều năm qua, chị tự tay vẽ mẫu trên vải sau đó chuyển lên các bản làng, hợp tác xã dệt, như: Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang (Điện Biên), Hợp tác xã dệt Chiềng Châu (Hòa Bình), một số nhóm phụ nữ, hộ gia đình nhỏ lẻ, rải rác ở Cán Tỷ (Hà Giang), Pà Cò (Hòa Bình), Kỳ Sơn (Nghệ An)... và mới nhất là các nhóm dệt miền trung, Tây Nguyên.
Trước đó, trong 5 năm đầu triển khai, chị Thủy phải lặn lội đến các làng bản để động viên, hướng dẫn bà con dệt vải, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Các hợp tác xã đôi khi cũng cử một vài đại diện có tay nghề và niềm đam mê về Hà Nội học nghề từ chị. Bây giờ, nhờ sự phát triển của công nghệ, chị và bà con có thể kết nối với nhau, trao đổi thông tin, các video, hình ảnh để vừa học nghề, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập trung bình của bà con từ 3-5 triệu đồng một người.
Phụ nữ dân tộc thiểu số dệt vải trong dự án hợp tác với Chie.
Điều khiến họ yên tâm nhất khi hợp tác là vẫn có thời gian lo việc gia đình, lao động sản xuất, hàng hóa thủ công tranh thủ làm lúc nông nhàn, lại được vay tiền “không lãi suất” từ quỹ của hợp tác xã để sửa nhà, mua con giống, đồ dùng thiết yếu.
Những miền đất có dấu ấn của Trương Thị Thu Thủy đều để lại không khí phấn khởi, vui tươi và sự tin tưởng cao. Đổi lại, người tạo nên không gian Tây Bắc giữa Hà Nội lại gặp vô vàn khó khăn kể từ khi khởi nghiệp tới bây giờ. Nếu ở chặng đường đầu tiên sự khó thuộc về đào tạo, gây dựng niềm tin, mở rộng sự chia sẻ thì gần đây, đại dịch Covid-19 khiến không gian phải hoạt động cầm chừng, sản phẩm thủ công khó bảo quản, thiếu vắng khách hàng... Song, trong chính giai đoạn này, chị Thủy vẫn tập trung mở rộng các vùng nguyên liệu, làm nghề đồng thời cải tiến mẫu mã, tăng tính ứng dụng và quảng bá rộng hơn, chuẩn bị cho giai đoạn hồi sinh sau đại dịch.
Không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa
Không chỉ bán hàng giúp bà con, Trương Thị Thu Thủy còn tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Có thể kể tới những hoạt động nổi bật, như: Trưng bày “Nét chạm thời gian”; Talkshow “Ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay và tục cưới hỏi của người dân tộc thiểu số”… đã thu hút sự tham gia đông đảo của du khách, đặc biệt là giới trẻ. Khách đến Chie không nhất thiết để mua sắm, mà là thụ hưởng một không gian rộn rã sắc màu vùng cao.
Giữa Hà Nội có thể được ngắm, được chạm vào một con thuyền độc mộc. Du khách sẽ được hướng dẫn ngồi vào khung cửi, dệt vải, hoặc lắng nghe từng câu chuyện về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được kể bởi những người dân vừa từ rừng xuống phố. Thỉnh thoảng, Chie lại có những show trải nghiệm cho du khách. Họ được học cách nhuộm vải mầu xanh từ cây chàm, mầu cam từ củ nâu, biết được quy trình từ một cây lanh khô cứng dệt ra chiếc váy sặc sỡ cầu kỳ như các thiếu nữ dân tộc Mông vẫn mặc.
Trải qua nhiều khó khăn thử thách, Chie vẫn “sống khỏe” nhờ sự tháo vát và tận tâm của người kiến tạo. Nghề thủ công, nếu không phục vụ đời sống, không gắn với đời sống thì chuyện mai một chỉ là sớm chiều. Trương Thị Thu Thủy thừa nhận, mình có thể thu nhập cao hơn nếu chuyên tâm buôn bán, nhưng nếu chỉ có thế thì chị lại không làm.
Gia đình ủng hộ chị trong hành trình giữ gìn và lan tỏa văn hóa các đồng bào dân tộc Việt Nam. Theo chị, văn hóa của đồng bào ta rất thú vị, chứa nhiều giá trị đẹp đẽ, nhưng chưa được nhìn nhận đầy đủ. Dù vậy, ai có niềm tin, sự quyết tâm thì dần dần sẽ chạm được vào giá trị cốt lõi và gắn bó mật thiết. Bởi lẽ đó, người ta vẫn thấy chị Thủy không ham bán hàng, sẵn sàng dành cả ngày cả buổi chỉ để chuyện trò, giới thiệu miễn phí cho du khách.
Vải thổ cẩm được trưng bày tại không gian của Chie.
Các sản phẩm có sự định hướng của Trương Thị Thu Thủy đã hòa quyện vào dòng chảy chung của đời sống hiện đại trong nước và thế giới. Bằng vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa các dân tộc thiểu số cùng với tinh thần không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ thuật hiện đại, chị Thủy từng bước giới thiệu ra thị trường những sản phẩm thủ công vừa giữ được nét đặc trưng của các dân tộc, vừa mang tính ứng dụng cao. Một số sản phẩm nổi bật được yêu thích đã làm nên thương hiệu Chie như: quần áo, khăn, mũ, mành, rèm, ga, gối, khăn trải bàn, lót cốc, đồ chơi, móc khóa, thú nhồi bông, túi đựng laptop, ba-lô...
Kể về những kỷ niệm trong hành trình đẹp này, chị Thủy bâng khuâng nhớ những lớp học may ở làng bản, bà con ngồi từ trong nhà tràn ra ngoài đường, thiếu bàn thì trải chiếu ngồi cắt. Học từ bảy giờ sáng đến mười rưỡi đêm. Có chị đang may dở phải về thì cử chồng sang may nốt, có anh chồng tối muộn chưa thấy vợ về bèn sang lớp là vải phụ vợ cho chóng xong.
Ai cũng cố có được sản phẩm mang về “để mai chồng còn cho đi học tiếp, không tưởng mình đi chơi không đi nương”. Rồi chị nhớ cả những đám trẻ con lít nhít quen thân từ ngày còn làm dự án. Nhiều cháu xuống Hà Nội học, hết tháng bố mẹ chưa kịp gửi tiền lại qua không gian Tây Bắc “tìm cô Thủy”. Gắn bó không chỉ là công việc mà hơn hết đó là cả một đời sống tinh thần đầy keo sơn, tha thiết.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!