Với khí hậu mát mẻ, trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và những nét văn hóa độc đáo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ đang tập trung phát triển du lịch, thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.
Nằm cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 40 km, xã Chiềng Yên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Dao, Thái, Mường, Kinh, Mông. Nhắc tới Chiềng Yên, du khách nhớ ngay tới thác Tạt Nàng hùng vĩ, suối nước nóng bản Phụ Mẫu, suối cá bản Bướt với chiều dài hơn 3 km có nhiều loài cá khác nhau được bảo tồn tự nhiên. Theo tuyến đường quanh co tựa dải lụa vắt qua các sườn đồi, bản du lịch cộng đồng Phụ Mẫu hiện ra với một bên là những cánh rừng xanh ngát, bên kia là những nếp nhà sàn thơ mộng ẩn hiện trong làn sương. Đồng hành với chúng tôi anh Vì Văn Thắng, Trưởng bản Phụ Mẫu, chia sẻ: Bản có 5 hộ làm du lịch cộng đồng. Từ ngày làm mô hình, chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước giúp dân làm đường bê tông, nhà văn hóa, sân thể thao... Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường được nâng lên, bà con trồng thêm các loại hoa dọc các tuyến đường để bản đẹp hơn, nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
Homestay tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ phục vụ khách du lịch.
Tới đây du khách được đắm mình với thiên nhiên hoang sơ, khám phá thác Tạt Nàng hay ngâm mình trong mó nước Bò Ấm. Mó nước nằm dưới tán rừng trúc, hướng ra cánh đồng lúa, là nơi nguồn nước trong lành chảy từ lòng núi đá, được người dân quây và xếp đá hộc tạo thành một bể tắm tự nhiên, giúp du khách thư giãn và hồi phục sức khỏe. Tham gia sinh hoạt cộng đồng cùng người dân bản địa và thưởng thức những món đặc sản của núi rừng, như thịt trâu, thịt bò gác bếp, xôi ngũ sắc, nộm rau rừng, cá suối...
Chị Nguyễn Thùy Vân, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Đến với bản Phụ Mẫu tôi thấy cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hoang sơ, môi trường, khí hậu trong lành, mát mẻ đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, được nghỉ ngơi, thư giãn bên người thân bạn bè sau những ngày làm việc mệt mỏi. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hóa, các lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc riêng của từng dân tộc. Ngoài ra các món ăn truyền thống dưới đôi bàn tay chế biến khéo léo của phụ nữ dân tộc nơi đây, cùng với các sản phẩm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đã tạo ra những món ăn độc đáo, hấp dẫn.
Với sự giúp đỡ của tổ chức AOP tại tỉnh Sơn La trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng” do Chính phủ Australia tài trợ và các công ty lữ hành du lịch, thời gian qua, nhân dân bản Nà Bai và Phụ Mẫu đã được học tập về những kỹ năng làm du lịch, được hỗ trợ chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa để phục vụ du khách. Điểm du lịch cộng đồng bản Nà Bai và bản Phụ Mẫu hiện có 9 hộ gia đình tham gia, có đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các hoạt động trải nghiệm... đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình cũng đã được tập huấn, nâng cao năng lực kinh doanh, đón khách du lịch.
Chị Đinh Thị Hương, chủ homestay Điệp Hương, bản Nà Bai, cho biết: Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống cùng khu vệ sinh, nhà tắm đáp ứng tiêu chuẩn. Các chuyên gia AOP luôn nhắc gia đình phải giữ gìn sự mộc mạc và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi cũng được đào tạo các khóa học nấu ăn, đón tiếp khách, làm đồ lưu niệm bằng mây tre, vải. Nhờ đó, gia đình tôi đón được nhiều khách hơn trước, thu nhập cũng tăng lên.
Ông Hà Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên thông tin: Trên địa bàn xã có 18 hộ thực hiện mô hình du lịch homestay, 2 HTX chuyên kinh doanh mảng nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng để phục vụ khách đến tham quan, du lịch. Từ đầu năm đến nay, xã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách tham quan lưu trú trên địa bàn đạt trên 400 lượt, doanh thu ước đạt hơn 500 triệu đồng.
Hy vọng thời gian tới, xã Chiềng Yên sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các đơn vị lữ hành xây dựng các bản du lịch cộng đồng trên địa bàn, từ đó huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích người dân hợp tác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tài nguyên sẵn có về văn hóa, thiên nhiên để phát triển sản phẩm du lịch, bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!