Trong tâm thức người Việt, khởi đầu một mùa xuân mới, thường hướng về cõi tâm linh, để bày tỏ niềm ngưỡng vọng và tìm kiếm sự cân bằng giữa đời sống vật chất với tinh thần. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường đến các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Ở Sơn La, điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách đầu năm phải kể đến Di tích quốc gia Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La. Nơi đây, ghi dấu Vua Lê Thái Tông cùng quân sỹ lên Tây Bắc dẹp loạn phản nghịch vào năm 1440-1441 và Vua để lại một bài thơ chữ Hán trên vách đá nhằm khẳng định sự thống nhất đất nước và mong muốn thiên hạ thái bình. Ngày 5/2/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã xếp hạng Di tích quốc gia.
Ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông, tháng 9/2001 tỉnh Sơn La đã xây dựng ngôi đền thờ Vua Lê Thái Tông. Là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, gìn giữ những thành quả mà ông cha đã hy sinh xương máu để có một đất nước thanh bình như ngày hôm nay. Ngôi đền tọa lạc bên sườn non cao, đứng ở đây có thể hướng tầm nhìn bao quát trung tâm thành phố Sơn La bên dòng Nậm La hiền hòa uốn lượn. Trong khung cảnh linh thiêng mà hữu tình, ai nấy đều thành tâm thắp nén nhang thơm hướng về nguồn cội, lòng người nhẹ tênh, cầu cho nhà nhà hạnh phúc, an vui.
Du khách đến với thành phố Sơn La, không thể bỏ qua Đền thờ Bác Hồ ở Quảng trường Tây Bắc. Ngôi đền có kiến trúc cổ với 3 ban thờ chính, hai bên phía trước có nhà tả, hữu vu. Đứng từ xa, chúng ta có thể nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Nằm ở vị trí giữa quảng trường là Tượng Bác uy nghiêm, phía sau là bức phù điêu lớn với hình tượng bông hoa ban cách điệu, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Giữa bức phù điêu là điệu xòe đoàn kết - kết nối các dân tộc Tây Bắc. Phía trước còn có ao cá Bác Hồ, hệ thống đường bàn cờ với 79 ô cỏ tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.
Một điểm đến nữa là Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La. Nhìn từ ngoài vào, ôm lấy đài tưởng niệm là 7 phần mộ chung của các liệt sỹ, chính giữa là phần mộ đồng chí Tô Hiệu. Một phần mộ tượng trưng của Anh hùng liệt sỹ Lò Văn Giá, người có công lao to lớn trong cuộc vượt ngục thành công của tù nhân do Chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức năm 1943. Hai nhà bia ở hai bên đối xứng nhau, ghi danh 61 liệt sỹ. Trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, mỗi chúng ta đều tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công lao của các anh hùng. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ở thành phố Sơn La, những ngày xuân điểm đến cầu an còn có Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc, ở bản Sẳng, phường Chiềng Sinh. Chùa được khởi công xây dựng tháng 5/2015, gồm các khu: Ngôi Tam Bảo (ngôi chính điện thờ Phật); ngôi thờ Mẫu; khu nhà tăng - Văn phòng Ban Trị sự. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.
Chia sẻ với các tăng ni, phật tử, du khách bốn phương, Đại đức Thích Khai Trí, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La, nói: Đáp ứng tín ngưỡng của nhân dân, dịp đầu xuân, chùa sẽ tổ chức lễ và rung chuông đón giao thừa. Ngày mồng 6 tết, tổ chức tụng kinh dược sư thất nhật (7 ngày) cầu an; tiếp đó, tổ chức các khóa lễ cầu bình an cho nhân dân, phật tử trong và ngoài tỉnh. Năm nay, ngoài dâng hương tại Chùa Trúc Lâm Hưng Quốc, phật tử có thể dâng hương, cầu an tại Chùa Trúc Lâm Hàng Tếch, phường Chiềng Lề.
Rời thành phố Sơn La, chúng tôi tiếp tục hành trình trải nghiệm miền sông nước Quỳnh Nhai - vùng quê giàu truyền thống văn hóa dân tộc. Ngoài vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của lòng hồ thủy điện Sơn La, nơi đây có Đền Linh Sơn Thủy Từ - Nàng Han thờ các vị thần linh, như: Thần sông, thần núi; tạo bản, tạo mường có công khai phá vùng đất Quỳnh Nhai; thờ nữ tướng Anh hùng và câu chuyện huyền thoại về Nàng Han luôn là niềm tự hào của dân tộc Thái Quỳnh Nhai. Đền Nàng Han không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, còn là điểm du lịch hấp dẫn gắn với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Lễ hội gội đầu chiều 30 tết; lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày mồng 10 tháng giêng trên dòng sông Đà thu hút nhiều du khách.
Đến với Sơn La, ngoài các địa điểm trên còn có một số điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương, như: Đền Hang Miếng, huyện Vân Hồ; Chùa Chiền Viện (chùa Vặt Hồng), xã Mường Sang, huyện Mộc Châu; Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Sông Mã; Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đình Chu, huyện Phù Yên...
Với người Việt, những cuộc hành hương về miền di sản - tâm linh những ngày đầu xuân từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Ở các điểm du lịch tâm linh, phật tử, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử cũng như “tính thiêng” của các nhân vật được thờ phụng.
Sắc xuân ngập tràn, với ý nghĩa của sự khởi đầu, những trải nghiệm tâm linh không chỉ giúp người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên, mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!