Du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống

Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi có môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những món ăn dân tộc đặc sắc.

Biểu diễn múa khèn dân tộc Mông tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu 2017.

Được đánh giá là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc, những năm gần đây, huyện Mộc Châu phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó chú trọng loại hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. 

Đến với mô hình du lịch cộng đồng Mộc Châu hôm nay, mỗi du khách sẽ được trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây với những công việc thường ngày như: Đi cày, đan lát, dệt vải, hái rau, bắt cá, bắt gà và chế biến những món ăn đặc sắc mang hương vị riêng của từng dân tộc, được sống trong nếp nhà truyền thống của người dân. Ngoài ra, du khách còn được tham quan nhà máy sản xuất chè, những đồi chè xanh bát ngát, nông trường bò sữa, những vuờn hoa lan rực rỡ hay những thung lũng hoa đào, hoa mận, hoa mơ trải dài ngút tầm mắt... Đến với Mộc Châu, du khách còn được tắm thuốc lá dân tộc, được hòa mình trong những điệu xòe say đắm bên bếp lửa, thưởng thức và giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc. Khi ra về các du khách có thể tự tay chọn cho mình và người thân những món quà lưu niệm độc đáo, đầy ý nghĩa. Tất cả tạo nên dư âm sâu sắc trong lòng du khách về một chuyến du lịch đầy mới mẻ trên mảnh đất Tây Bắc.

Khu du lịch cộng đồng ở bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) được biết đến là điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước. Đến với bản Áng, du khách sẽ được hòa mình vào những điệu xòe Thái, những làn điệu dân ca cổ, trải nghiệm ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức những món đặc sản của núi rừng như thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rau rừng... và không thể quên hương nồng của rượu ngô men lá. Ông Bạch Văn Thọ, du khách đến từ thành phố Hà Nội vui vẻ nói: Mỗi lần đến với Mộc Châu tôi đều lựa chọn các nhà nghỉ cộng đồng ở bản Áng, xã Đông Sang để gia đình nghỉ ngơi. Ở đây, tôi được thăm quan những ngôi nhà sàn đặc trưng của người dân, giới thiệu về nghề truyền thống đan lát, làm đệm bông gạo và dệt thổ cẩm, cùng với những sản phẩm: Khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay... được làm bởi những đôi bàn tay khéo léo của người địa phương là món quà độc đáo tôi lựa chọn cho gia đình và người thân. Tôi rất ấn tượng với món cơm lam và cá nướng (Pa pỉnh tộp), cơm lam rất dẻo và thơm, còn cá nướng có mùi vị rất hấp dẫn.

Chia sẻ về cách làm du lịch cộng đồng, ông Vì Văn Hạnh, chủ nhà nghỉ cộng đồng Phương Anh 2, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) nói: Được sự tư vấn, giúp đỡ của huyện Mộc Châu, gia đình tôi cải tạo ngôi nhà sàn 5 gian để làm nhà nghỉ cộng đồng, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trên cơ sở của khung nhà sàn cũ, gia đình nâng thêm chiều cao của gầm sàn nhà, làm lại cầu thang, sơn sửa lại toàn bộ mặt sàn và thưng ván xung quanh nhà. Chính thức hoàn thành tu sửa và đi vào hoạt động từ năm 2016. Dịp 2-9 vừa qua, du khách trong và ngoài nước cùng đồng bào các dân tộc khắp các địa phương trong tỉnh lại nô nức đổ về thảo nguyên xanh Mộc Châu đón Tết Độc lập và tham dự các hoạt động của Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2017, vì thế gia đình đã đón một lượng khách tương đối lớn. Bên cạnh đó, mô hình nhà nghỉ cộng đồng gia đình tôi còn một đồi mận 1,5 ha để phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh và trải nghiệm thực tế.

Đồng chí Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Cùng với nhiều hoạt động quảng bá du lịch Mộc Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các hộ làm du lịch để giúp người dân nâng cao kiến thức, nghiệp vụ làm du lịch; phát động các phong trào và tổ chức hội thi thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch; xây dựng mô hình nhà nghỉ cộng đồng ở xã Đông Sang, Tân Lập; đẩy mạnh phong trào trồng hoa, trồng cây xanh, xây dựng các khu phố xanh - sạch - đẹp. Phục dựng lại những nghề truyền thống như: Dệt vải, mây tre đan, hay xây dựng mô hình sản xuất thu nhỏ để du khách tới đây có thể hòa mình vào những công việc trong cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.

Việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững, mỗi địa phương cần giữ gìn văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng. Phát triển du lịch đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới