Bài 1: Phát huy lợi thế, giá trị khác biệt
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Nhờ những cách làm sáng tạo, phát huy những lợi thế, giá trị khác biệt, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã và đang là một hướng đi mới, mang lại "làn gió mới", sức sống mới cho người dân nông thôn trên cả nước. Đây chính là hướng đi mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh hiện nay.
Tư duy mới
Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước phát triển du lịch nông thôn với mục tiêu kép là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Để hình thành các làng văn hóa du lịch cộng đồng, nhiều năm qua, tỉnh triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân.
Trọng tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% làng văn hóa du lịch có điện lưới quốc gia, đường ô-tô vào đến trung tâm; 272 hộ dân làm homestay được tỉnh hỗ trợ tổng cộng hơn 16 tỷ đồng để xây mới công trình vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường, mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc nhà truyền thống...
Bên cạnh đó, tỉnh còn thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng làm du lịch cho người dân. Nhờ đó, giá trị của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, vùng di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của 19 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Hà Giang được bảo tồn và phát huy giá trị.
Ông Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết, thôn hiện có 32 hộ làm dịch vụ homestay, lượng khách lưu trú trung bình hằng tháng đạt khoảng 1.000 lượt. Qua dịch vụ lưu trú, các hộ có nguồn thu từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Thôn cũng hình thành các nhóm hộ làm dịch vụ phụ trợ như: nhóm trồng rau, nhóm nuôi lợn đen, gà bản, nhóm trồng hoa tam giác mạch...
Các nhóm hộ có mối liên kết chặt chẽ với các gia đình làm dịch vụ ăn nghỉ, do đó nhiều hộ dân cùng có nguồn thu từ du lịch, du khách cũng được hưởng dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng bảo đảm chất lượng. Từ một thôn có hơn 80% số hộ nghèo, nhờ làm du lịch, thôn Lô Lô Chải nay chỉ còn gần 10% số hộ nghèo.
Với những ưu đãi của thiên nhiên cùng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, người dân tại các xã nông thôn mới của tỉnh Bến Tre cũng đã mạnh dạn phát triển du lịch nông thôn, đem lại bộ mặt mới cho làng quê theo hướng xanh, sạch, đẹp. Tại xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre), địa phương đã phát triển du lịch nông thôn từ năm 2008 với việc hình thành các homestay, hiện có 11 cơ sở lưu trú, có thể phục vụ 1.500 lượt khách tham quan/ngày và 250 khách lưu trú/ngày.
Ông Huỳnh Văn Mười, chủ homestay Mười Nở là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Nhơn Thạnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm du lịch. Ông Mười khoe với chúng tôi, dù chỉ học lớp 7 và chỉ quen làm nông, nhưng khi chuyển sang làm du lịch ông đã học tất cả mọi thứ từ cách tiếp khách, tiếng Anh giao tiếp đơn giản đến chế biến món ăn… Nhờ bán cho khách du lịch nên giá trị nông sản của gia đình ông “xuất khẩu” tại chỗ đã cao gấp 3 lần so với bán cho thương lái. Toàn bộ diện tích 8.000m2 đất được chuyển sang làm du lịch, xây homestay cho khách nghỉ ngơi cũng thu lợi nhuận gấp mười lần so với trồng lát, dệt chiếu.
Được đào tạo nghề pha chế, chị Lù Thị Vấn, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn mở quán cà-phê Cực Bắc đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Phát triển du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của xã Nhơn Thạnh nói riêng, TP Bến Tre nói chung. Với lợi thế nửa đô thị, nửa nông thôn, bên cạnh việc phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du lịch tại đô thị, TP Bến Tre còn phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Bến Tre, Nguyễn Văn Thương cho biết: “Du lịch nông thôn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của các xã nông thôn mới như giúp tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch… Những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, làng quê cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn”.
Du lịch nông thôn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của các xã nông thôn mới như giúp tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch… Những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư địa phương. Bên cạnh đó, làng quê cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Bến Tre, Nguyễn Văn Thương
Khoác áo mới cho nông thôn
Từ việc dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang kết hợp làm du lịch nông thôn, nhiều hộ dân đã có của ăn của để, thậm chí trở nên giàu có. Thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là nơi sinh sống của hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Dao. Năm 2017, các hộ dân trong thôn đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nậm Hồng, Triệu Mềnh Kinh cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có 30 nhà bungalow và 12 nhà homestay ở các hộ gia đình thành viên, phục vụ tối đa khoảng 200 du khách/ngày. Khi du lịch phát triển, người dân trong thôn luôn ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống đã mai một, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa của đồng bào Dao.
Bên cạnh đó, các hộ dân trong thôn cũng đầu tư sửa chữa nhà cửa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường sạch đẹp. Đời sống của người dân trong thôn khấm khá hơn so với trước kia, nhà nào cũng có nguồn thu, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể. Nhờ phát triển du lịch nên thôn duy trì được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Bộ mặt nông thôn dần thay đổi, thu nhập của người dân được nâng cao, văn hóa được gìn giữ, cảnh quan môi trường sạch đẹp cũng là những thành quả mà người dân tỉnh Bến Tre có được khi phát triển du lịch nông thôn. Hiện ở các xã nông thôn mới, hạ tầng du lịch được đầu tư như: đường giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, các bãi xe, bến tàu phục vụ việc đưa đón khách được xây dựng, các homestay, nhà hàng và các tiện ích khác được hình thành nhưng vẫn giữ được không gian nông thôn. Tại Bến Tre việc phát triển du lịch cũng đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nông thôn.
Hiệu quả từ du lịch nông nghiệp, nông thôn cho thấy, đây là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng, kinh tế nông thôn, nông nghiệp nói chung.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết. Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết. Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang lại giá trị xã hội. Vì vậy cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ và đồng bộ, để du lịch hướng tới những giá trị bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!