Chợ phiên vùng hồ thủy điện Hòa Bình (Sơn La) những ngày cuối năm thật nhộn nhịp. Trên bến, dưới thuyền, dòng người ngược xuôi tấp nập làm sống động vùng quê sông nước.
Người dân mua sắm tại chợ phiên Suối Vải, xã Đá Đỏ (Phù Yên).
Theo tàu chợ chuyên chở hàng hóa phục vụ tết cho bà con vùng hồ thủy điện Hòa Bình qua các chợ phiên bến Vạn (xã Tân Phong - Phù Yên), Suối Sáy (xã Tân Hợp - Mộc Châu), Suối Vải (xã Đá Đỏ - Phù Yên), Nà Dòn (xã Chiềng Sại - Bắc Yên)... càng thấy nhu cầu mua sắm của bà con rất lớn. Chủ tàu Nguyễn Văn Hậu, ở phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, thâm niên hơn 25 năm chạy trên tuyến vùng hồ này, kể: Sau khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, gia đình gom vốn mua tàu chuyên chở khách, cả năm lênh đênh trên sông nước, gắn bó với đồng bào các dân tộc dọc vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Mỗi chuyến đi, con tàu có trọng tải hơn 300 tấn với 80 khách đăng ký đi thường xuyên, nhưng dịp tết thì lúc nào cũng quá tải. Chúng tôi thực sự không đủ sức mua hết hàng hóa nông sản của bà con, cho thấy cuộc sống của bà con vùng hồ cũng khá giả lắm.
Bến Vạn là cửa ngõ giao thương giữa đường bộ và đường thủy, dòng người đổ dồn về mua sắm càng đông hơn khi giáp tết. Từ mờ sáng, bà con các bản ven hồ đã í ới gọi nhau khuân hàng xuống thuyền, nổ máy rền vang bến sông đi chợ trao đổi hàng hóa. Từng đoàn thuyền chở khách, thuyền cá của bà con từ các xã lân cận như Bắc Phong, Quy Hướng, Nam Phong, Tường Tiến cứ đổ dồn về, neo đậu dài cả cây số ven bờ sông. Chị Đinh Thị Tình, bản Mùng (Tân Phong) rất thông thạo: Chợ phiên bến Vạn là trung tâm giao thương của cả vùng, nên bà con đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa đông đúc hơn các chợ phiên khác. Mặt khác, xã Tân Phong có hơn 620 ha ngô vụ xuân hè, 300 ha ngô vụ thu, sản lượng trung bình đạt trên 2.500 tấn ngô hàng hóa/năm và 350 ha sắn, sản lượng đạt trên 2.500 tấn, cùng hàng trăm ha cây ăn quả như chuối, nhãn, xoài... nên việc trao đổi hàng hóa nông sản, mua sắm vật dụng tiêu dùng nhiều gấp nhiều lần nơi khác. Được biết, xã Tân Phong hiện còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn hằng năm duy trì trên 10.000 con, đáp ứng nhu cầu phục vụ thực phẩm tại các chợ phiên trong tháng. Mặt khác, bà con còn phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên hồ, với sản lượng hằng năm đạt trên 35 tấn cá thịt, 20 tấn tôm tươi...
Có mặt tại phiên chợ đón Suối Vải (Đá Đỏ) trời đã về chiều, làng bản dọc hai bên bờ hồ đã lập lòe ánh điện, vậy mà từng đoàn tàu chợ như những ngôi nhà di động vẫn tấp nập cập bến. Mọi người khẩn trương bốc hàng xuống chợ, căng bạt, dựng lều. Trên tàu, ánh điện lung linh, loa đài xập xình, kèm theo tiếng rao mời mua bán hàng vang dậy cả khúc sông. Trên tàu, không thiếu dịch vụ gì, từ tấm tôn Hoa Sen, đến sửa chữa máy nổ, ti vi, bán sim thẻ điện thoại di động, rồi cả nghiền chả cá, làm xúc xích, bánh phở... tất tần tật, bà con có nhu cầu đều được phục vụ. Sáng sớm, phiên chợ chính Suối Vải, dòng người từ các ngả về đây mua bán trao đổi hàng hóa. Trên bến, dưới thuyền, hàng hóa nông sản bày bán la liệt; dòng người hối hả qua lại mua sắm chật kín cả bến sông. Trên khắp các ngả đường từ trên triền núi xuống chợ, vang vọng tiếng ngựa hý, tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai, cô gái Mông từ các bản vùng cao Sập Xa, Kim Bon, tung tăng xuống chợ mua xắm, làm cho phiên chợ càng thêm rực rỡ sắc màu. Anh Đinh Văn Thuận, ở bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, kể: “Dù bận đến mấy, nhưng chợ phiên ngày Tết, năm nào tôi cũng đi, bởi gia đình có mở thêm cửa hàng dịch vụ tạp hóa. Cho nên, ngoài trao đổi mua sắm tiêu dùng dịp Tết, tôi còn phải mua thêm các mặt hàng thiết yếu để sau tết còn có hàng hóa phục vụ bà con khi chợ phiên chưa đến”.
Đứng trên lan can tàu chợ cập bến Nà Dòn (Chiềng Sại) - điểm cuối chuyến đi này, điều mà chúng tôi cảm thấy vui lây là không chỉ ngô, lúa, gia súc, gia cầm bà con làm ra đều được tiêu thụ hết, mà cả rau, củ, quả sạch và các sản vật đặc trưng vùng miền cũng được mua gom chuyển về xuôi; có gia đình đổi ngô lấy cả chục tấm lưới ba lớp để đánh cá; người đổi con bò mộng lấy cả trăm tấm lợp để làm nhà mới; người sang luôn cả thuyền ngô đổi lấy hàng tấn gạo dự trữ cho mùa giáp hạt... tất cả cứ nườm nượp ngược xuôi, sôi động cả một vùng sông nước.
Chia tay tàu chợ trở về phố huyện, hình ảnh chợ phiên vùng hồ những ngày giáp tết tấp nập kẻ bán, người mua như tiếp thêm niềm tin trong tôi cuộc sống tươi mới trước thềm xuân sang.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!