Quang cảnh chương trình Giao lưu các nhà ngoại giao trẻ ASEAN lần thứ II 

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho biết, tại Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam luôn chú trọng công tác phát triển thanh niên, phối hợp đề xuất, xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ cho thanh niên trong học tập, lao động, khởi nghiệp, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, vui chơi giải trí, phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Thanh niên, quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên, chính sách của nhà nước hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển toàn diện. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược Phát triển Thanh niên giai đoạn 2021 – 2030, thể hiện sự quan tâm to lớn của Nhà nước, Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị đối với thanh niên Việt Nam. 

Đại biểu tham dự chương trình Giao lưu các nhà ngoại giao trẻ ASEAN lần thứ II chụp hình lưu niệm 

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban hành nhiều cơ chế, chính sách dành cho thanh niên trên các lĩnh vực và đối tượng thanh niên như Nghị định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện và Quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Những quy định, chính sách trên đã, đang và sẽ giúp cho thanh niên Việt Nam được phát triển toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Diễn ra trong 02 ngày 09-10/12, đại biểu, chuyên gia các nước Asean sẽ tham gia các phiên thảo luận với các nội dung như: kết quả hợp tác thanh niên ASEAN trong năm 2021 và các ưu tiên hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+ trong thời gian tới; nỗ lực của ASEAN trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19; nỗ lực chung của các nước ASEAN đối với vấn đề lao động và an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế; "Sáng kiến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành" trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam; các hoạt động tình nguyện trong bối cảnh COVID-19 tại khu vực Châu Á -  Thái Bình Dương…

Với gần 220 triệu người, thanh niên chiếm 1/3 dân số ASEAN, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự lớn mạnh không ngừng của Cộng đồng ASEAN.

Những năm qua, các cơ quan phụ trách thanh niên các nước ASEAN và thanh niên ASEAN đã tăng cường hợp tác, triển khai hiệu quả các nội dung của chương trình hành động thanh niên ASEAN với hàng trăm hoạt động phong phú hướng tới đa dạng đối tượng thanh niên, từ sinh viên, nhà khoa học trẻ, nhà báo trẻ, doanh nhân trẻ, công chức trẻ đến chính trị gia trẻ và nhiều đối tượng khác; tạo ra nhiều kết quả khích lệ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh niên ASEAN, của mỗi quốc gia và cả Cộng đồng ASEAN, đưa ASEAN trở thành một nền kinh tế năng động với GDP hơn 3.000 tỉ USD, đứng thứ 5 toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, chính phủ các nước ASEAN không ngừng quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của thanh niên. Nhiều nước đã ban hành các luật, chính sách, chiến lược phát triển thanh niên, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho thanh niên ASEAN được giáo dục toàn diện, phát triển cả về tri thức, kĩ năng và thể chất, nâng cao khả năng có việc làm, có môi trường lập thân, lập nghiệp thuận lợi.